Tài chính - Chứng khoán
Thu thuế Google, Uber, Grab, Booking.com, Agoda: Bác luận điệu đánh thuế hai lần
Hữu Tuấn - 15/12/2017 08:47
Các dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Uber, Grab, Booking.com, Agoda… thường trưng ra Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần để “né” đóng thuế.

0Doanh thu khủng, nhưng “lười” nộp thuế

Những ngày gần đây, câu chuyện thu thuế từ các dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Uber, Grab, Booking.com, Agoda… đang làm nóng dư luận xã hội.

Trong một diễn biến mới nhất, Cục Thuế TP.HCM đã đưa ra “tối hậu thư” buộc Uber B.V phải nộp 66,68 tỷ đồng vào ngân sách trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 13/12.

Facebook đang thu lợi hàng nghìn tỷ đồng từ thị trường Việt Nam

Trước đó, tháng 9/2017, Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra Uber B.V và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, truy thu hơn 66,68  tỷ đồng. Sau đó, Uber B.V đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, lấy lý do họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần.

Trong một diễn biến khác, đầu tháng 12/2017, một cá nhân bán hàng qua mạng xã hội Facebook tại TP.HCM có doanh thu năm 2016 lên đến 344 tỷ đồng. Cá nhân này đã đăng ký kinh doanh dưới dạng hộ cá thể để hưởng mức thuế thấp hơn và kê khai doanh thu thấp hơn nhiều so với thực tế. Sau khi xác minh, đối chiếu, cá nhân này đã tự nguyện nộp hơn 9,1 tỷ đồng tiền thuế.

Liên quan câu chuyện thu thuế với các dịch vụ xuyên biên giới, bà Lê Thị Ái Liên (Công ty Du lịch Sài Gòn Mũi Né) cho biết, Công ty ký hợp đồng với trang Booking.com đặt trụ sở tại Hà Lan. Theo yêu cầu của cơ quan thuế, trước khi trả tiền cho dịch vụ này, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế nhà thầu, nhưng phía Booking.com không đồng ý vì cho rằng, họ được miễn thuế theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.

Ba câu chuyện trên đều là việc thu thuế từ các dịch vụ xuyên biên giới. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Booking.com… đang thu hàng trăm triệu USD từ thị trường Việt Nam, nhưng các cơ quan thuế chưa tìm ra giải pháp quy trách nhiệm nộp thuế với những doanh nghiệp này.

Trong khi đó, ông Lê Đắc Lâm, Tổng giám đốc Vntrip.vn đã chỉ ra cách trốn thuế của Agoda. Khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này thu 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam. Như thế, 20 USD đó nằm ngoài Việt Nam và Việt Nam không thu được đồng thuế nào.

CEO của Vntrip.vn ước tính, đến năm 2020, riêng doanh thu từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tại Việt Nam đạt khoảng 21 tỷ USD, trong đó, khoảng 50% doanh thu đến từ đặt phòng trực tuyến. Chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa sẽ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền lưu trú cho toàn ngành du lịch, trong đó các công ty bán phòng online sẽ được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỷ USD (tính theo mức hoa hồng 20%). Vì thế, Nhà nước có thể thất thu hàng ngàn tỷ đồng nếu không thu thuế được các trang web như Booking, Agoda, Hotels.com…

Bác bỏ luận điệu của nhà cung cấp dịch vụ

Khi bị cơ quan thuế của Việt Nam yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, luận điệu của các nhà cung cấp xuyên biên giới là theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, thuế đã do nhà thầu Việt Nam chi trả, nên họ không phải nộp thuế.

Đối với trường hợp của Uber, cuối tháng 11/2017, Bộ Tài chính đã khẳng định, Uber B.V không được miễn thuế theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan vì có cơ sở thường trú tại Việt Nam (là các lái xe).

Còn trường hợp đối với các dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Booking.com, theo cơ quan thuế, Booking.com có 2 đơn vị thường trú tại Việt Nam, nên không thuộc diện được miễn thuế.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, dịch vụ đặt phòng qua các trang web như Booking.com, Agoda, Hotels.com... đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn tại Việt Nam làm môi giới dịch vụ và thu hoa hồng lớn, nhưng không nộp thuế. Do vậy, Bộ Tài chính đã yêu cầu các trang này phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu.

Câu chuyện thu thuế Google, Facebook khó khăn hơn khi 2 nhà cung cấp này quy định các khoản thu là sau thuế và đẩy trách nhiệm nộp thuế sang các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc xác định doanh thu các dịch vụ xuyên biên giới rất khó khăn vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân, nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ. Vì vậy, để quản lý thuế, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành có cơ sở cùng vào cuộc.

Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài cung cấp tại Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác