Nhà cung cấp vẫn “lừng khừng” gỡ bỏ thông tin độc hại
Tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 7,8/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tăng cường theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động cung cấp và xử lý thông tin trên mạng.
Tích cực làm việc với các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để đề ra các giải pháp xử lý tình trạng đưa thông tin sai sự thật, gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ nghiên cứu các biện pháp quản lý thẻ cào điện thoại, thẻ game trực tuyến...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc/Mic.gov.vn |
Từ đầu năm 2017 đến nay, trên Youtube có 15 kênh đưa lên hơn 8.000 video, clip có nội dung xấu độc, phản động, nhưng Google mới chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 3.200 video clip xấu, độc trên Youtube. Facebook cũng mới chỉ gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp và 137 tài khoản nói xấu, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trong hàng ngàn nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được đăng tải.
Có 2 nguyên nhân được xác định cho việc Facebook, Google chưa triệt để, quyết liệt và còn cầm chừng trong việc gỡ bỏ nội dung độc hại.
Thứ nhất, Facebook, Google cho phép người dùng tự do đăng tải nội dung trên nền tảng của họ và chỉ khi có yêu cầu của người sử dụng thì mới tiến hành kiểm tra, thẩm định. Quá trình này mất rất nhiều thời gian và các đối tượng xấu đã lợi dụng quy trình này để liên tục đăng tải và lan truyền thông tin xấu độc.
Thứ hai, chúng ta chưa tìm được biện pháp đủ mạnh để gây sức ép, buộc Facebook, Google tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Các mạng xã hội thường vin vào cớ có sự khác biệt về quan điểm chính trị, cách nhìn nhận đánh giá về thế nào là vi phạm để từ chối thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Thậm chí đưa ra câu hỏi khá thách thức: “Nếu chúng tôi không đáp ứng yêu cầu chặn, hạ nội dung đó thì các bạn sẽ làm gì?”.
Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Vingroup, Sungroup, Ford Vietnam, Yamaha, Unilever... bày tỏ thái độ và dừng quảng cáo trên Youtube, buộc các cung cấp phải suy nghĩ lại.
Cần có chế tài quản lý mạng xã hội
Theo các chuyên gia viễn thông – công nghệ thông tin, việc quản lý các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook tại Việt Nam là khá khó khăn. Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc “cấm cửa” Facebook, Thái Lan cũng tuyên bố sẵn sàng chặn Facebook nếy không dẹp tài khoản “đen”; Indonesia thành lập cơ quan giám sát tin tức trên mạng, EC yêu cầu Facebook, Google truy quét quảng cáo lừa đảo; Đức phạt 5-50 triệu EU những bài đăng kích động bạo lực, bôi nhọ…
Tại Việt Nam, có 2 giải pháp được đề xuất là giải pháp kỹ thuật. Hiện các nhà mạng Việt Nam đang cho thuê, thậm chí miễn cước dịch vụ cho thuê đặt máy chủ và cước kết nối Internet cho Google, Facebook. Cụ thể, VNPT cho Google thuê 608 máy chủ, cho Facebook thuê 120 máy chủ, Viettel cho Google thuê 330 máy chủ và cho Facebook thuê 96 máy chủ và điều đặc biệt là các đơn vị này đều cho Facebook và Google thuê miễn phí. Vì thế, tới đây, rất có thể Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các doanh nghiệp này và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam.
Theo Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết nếu nhà cung cấp vi phạm các quy định Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, cung cấp các nội dung thông tin vi phạm an ninh quốc gia, bôi nhọ, xúc phạm danh dự uy tín cá nhân, quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm, giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân....
Biện pháp thứ hai có tính khả thi là dùng giải pháp quản lý qua kênh thanh toán. Hiện nay, các nội dung trên mạng xã hội do doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sản xuất và tiêu thụ chính tại Việt Nam, nhưng họ muốn phải trả tiền qua Visa hay Master, chứ không dùng thẻ nội địa trong nước, người dùng Việt Nam đang phải chấp nhận "luật chơi" của các nhà cung cấp.
Theo “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng Nhà nước có quyền giám sát và áp dụng các tiêu chuẩn cho các hệ thống thanh toán theo các tiêu chí và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có quyền ban hành chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như tổ chức thực hiện chuyển tiền, thanh toán cho những hoạt động bất hợp pháp...
Như vậy, có thể thấy rằng, hành lang pháp lý và thông lệ quốc tế đã có đủ căn cứ để kiên quyết áp dụng chế tài với các nội dung độc hại, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, Internet. Nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, hợp tác một cách nghiêm túc với cơ quan chức năng Việt Nam để gỡ bỏ các nội dung độc hại, vi phạm pháp luật thì việc bị áp dụng biện pháp cứng rắn rất có thể xảy ra với các nhà cung cấp xuyên quốc gia tại Việt Nam.