Thời sự
Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì với doanh nghiệp xuất khẩu gạo?
Hồng Phúc - 27/03/2020 12:03
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trích đăng phần phát biểu của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp khẩn về vấn đề xuất khẩu gạo với lãnh đạo UBND Tp.HCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam và lãnh đạo 20 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu gạo lớn nhất, được tổ chức chiều 26/3, tại TP.HCM.

Tại phiên họp thường trực Chính phủ chiều 23/3, sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, cân nhắc các phương án, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. 

Quyết định này được đưa ra dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, nhu cầu lương thực/thực phẩm đang tăng mạnh trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Thứ hai, giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng 32%, đây là mức tăng rất cao nếu nhìn lại kết quả xuất khẩu 3-4 năm gần đây. 

Đặc biệt, đây là năm thứ 3 lượng xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, tức là tăng thêm 370.000 tấn trong vòng 15 ngày đầu tháng 3/2020, bình quân 25.000 tấn/ngày.

Nếu giữ tốc độ đó, quý I, chúng ta sẽ xuất gần 1,7 triệu tấn, trong khi quý I/2019 chúng ta xuất 1,4 triệu tấn.

Được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi và chúng ta cũng vui cùng với nông dân. Nhưng nếu tiếp tục xuất khẩu với tốc độ như 15 ngày vừa qua, thì rủi ro về an ninh lương thực là có.

Do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh như vậy, giá trong nước đã biến động, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại so với đầu năm 2020.

Trong 3 năm gần đây, bình quân 6 tháng đầu năm chúng ta xuất khẩu 3,2 triệu tấn. 

Nếu quý I xuất 1,7 triệu tấn, thì chúng ta chỉ còn lại 1,5 triệu tấn cho quý II. Thế nên, nếu bình quân xuất đi mỗi ngày 25.000 tấn thì quý II sẽ lên 2 triệu tấn.

Quý II/2019, chúng ta xuất khẩu trên 1,9 triệu tấn, nên việc khẳng định quý II năm nay chúng ta xuất trên 2 triệu tấn không phải là nhận định mơ hồ, mà có cơ sở, dựa trên tốc độ xuất khẩu bình quân của 15 ngày đầu tháng 3 cũng như dựa trên kim ngạch dự báo của quý II/2020.

Trong khi đó, quý I/2020 xuất khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, trong dân dù dự báo lạc quan đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ còn 1,5-1,7 triệu tấn theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nếu chúng ta xuất 2 triệu tấn trở lên, có nghĩa thiếu hụt sẽ giao động từ 300.000 - 500.000 tấn.

Thế nên Bộ Công thương đưa nhận định chính đáng đang đứng trước rủi ro về an ninh lương thực. Tôi xin nhấn mạnh là đứng trước rủi ro. Điều đó lý giải vì sao, Bộ Công thương phải báo cáo trung thực với thường trực Chính phủ về tình hình, dựa trên số liệu tổng quát đáng tin cậy Bộ Công thương có được.

Ở đây là số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Cục hải quan.

Trong điều kiện bình thường, việc xuất khẩu 2 triệu tấn hay dưới 2 triệu tấn trong quý II/2020 không có vấn đề gì. Chúng ta có thể đáp ứng được.

Nhưng, điều kiện hiện nay không bình thường nữa, thể hiện qua mấy yếu tố sau đây:

Thứ nhất, lượng gạo trước đây chúng ta vẫn có từ nhiều mùa khác hiện nay không còn nữa.

Thứ hai, là yếu tố bất định, chúng ta không rõ dịch bệnh sẽ tiếp diễn như thế nào. Không ai ngờ rằng Ấn Độ đã phong tỏa toàn bộ đất nước họ (Ấn Độ phong toả toàn quốc từ nửa đêm 25/03- PV). Đây là nguồn cung chủ yếu trong thời gian vừa qua.

Chúng ta không thể đoán được còn nước xuất khẩu gạo nào "khóa" toàn bộ hoạt động, giả sử Thái Lan, Pakistan, họ đã đóng cảng biển. Khi đó, chỉ còn mình chúng ta xuất khẩu. Lượng hút hàng của Việt Nam sẽ kinh hoàng như thế nào. 

Yếu tố bất định thứ hai, là tâm lý người dân. Hiện nay gia đình ở Thủ đô 4 người tiêu dùng 1 tháng không quá 10 kg gạo vì có mì, có lương thực/thực phẩm khác bổ sung vào bữa ăn của mình nên lượng tiêu thụ gạo là ít. 

Nhưng vợ tôi đã đi mua gạo lần đầu tiên sau rất nhiều năm đi mua thêm 10 cân gạo để dự trữ.

Còn Mẹ tôi là người sống 1 mình, 1 tháng ăn không hết 5 cân gạo cũng đi mua, bảo con trai đi mua cho mẹ dự trữ 20 cân. Tâm lý người dân là yếu tố bất định.

Chúng ta không đoán định được lúc nào sẽ có sự đổ vỡ tâm lý người dân, dẫn đến việc đi mua dự trữ.

Nếu 2 yếu tố bất định đó xảy ra, giữ nguyên mức độ xuất khẩu như vừa qua thì rủi ro an ninh lương thực là có thật.

Lúc đó, chúng ta mới ra quyết định thì quá muộn.

Vì vậy, rất mong tất cả các đồng chí hiểu cho bản báo cáo của Bộ Công thương với Thủ tướng Chính phủ cũng như quyết định của Thường trực Chính phủ đưa ra.

Tuần qua, UBND TP.HCM đã quyết định đóng cửa hàng loạt nhà hàng, tụ điểm đông người. Và các doanh nghiệp vận hành nhà hàng, cơ sở kinh doanh đó bị thiệt hại, nhưng đồng lòng với UBND TP.HCM. 

Trong những hoàn cảnh đặc biệt, sẽ có những quyết định đặc biệt, những quyết định chưa từng có trong lịch sử TP.HCM từ sau năm 1975 đến giờ, chưa bao giờ có quyết định như vậy. 

Đầu tiên, tôi mong các đồng chí, từ các tỉnh đến các doanh nghiệp hiểu cho quyết định rất khó khăn của Thủ tướng Chính phủ, của thường trực Chính phủ. Hiểu cho vì sao, Bộ Công thương lại đề xuất như vậy. 

Tuy nhiên, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ kết luận, Tổng cục Hải quan thực thi nghiêm túc thì chúng tôi mở điện thoại và nhận rất nhiều ý kiến phản hồi từ các tỉnh đến các doanh nghiệp. Chúng tôi đã lắng nghe.

Các tỉnh và các doanh nghiệp phản ánh điều gì?

Rất mừng ở đây, đại đa số đồng tình hay nói đúng hơn là cảm thông với quyết định khó khăn của Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, các tỉnh phản ánh rằng, tồn kho trong dân vẫn còn nhiều, các anh yên tâm.

Và thứ hai, lượng mà chúng tôi (doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo-PV) còn phải xuất khẩu theo hợp đồng đã ký không nhiều như các anh (các Bộ ngành-PV) tính. Vì chúng tôi không mua được nên đã tiết chế chuyện ký hợp đồng. Cứ đi tìm hiểu, các doanh nghiệp mà giao hàng vào tháng 04, tháng 05/2020 cũng sợ, không dám ký.

Xin khẳng định, số liệu tổng quát về sản lượng cũng như xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan đưa ra thì không thể sai được. 

Về sản lượng đã thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến 11 triệu tấn thóc vụ Đông Xuân, đến giờ này đã thu hoạch 9 triệu tấn, còn 2 triệu tấn thóc nữa trong thời gian tới.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển cũng không thể sai được. 

Nhưng có 2 yếu tố mà chúng tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan không biết: Một là tồn kho trong dân và các doanh nghiệp là bao nhiêu; hai là lượng hợp đồng xuất khẩu mà doanh nghiệp phải giao là bao nhiêu? Vì quy định báo cáo trước đây của chúng ta rất chặt chẽ, giờ không còn nữa, bởi được bãi bỏ khi Nghị định 107 ban hành nên chúng tôi không thể có số liệu.

Chính vì vậy, Bộ Công thương biết mặc dù sẽ bị dư luận phê bình, bị Thủ tướng phê bình, nhưng chúng tôi mạnh dạn có ngay một công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng ngay để kiểm tra lại, sau khi nghe phản ánh của các tỉnh, các doanh nghiệp. 

Mặc dù biết bị phê bình nhưng vẫn phải làm, thể hiện sự cầu thị của Bộ Công thương sau khi biết rằng có những lỗ hổng trong số liệu thống kê mà không phải lỗi của Bộ Công thương. 

Đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo, thực hiện dự trữ lưu thông và tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. 

Chúng tôi chỉ xin các tỉnh, các doanh nghiệp cho chúng tôi biết: 

Thứ nhất, đánh giá tình hình, sản lượng các đồng chí dự kiến có đúng thế không, vì diện tích gieo sạ, tổng thu hoạch các đồng chí biết. 

Thứ hai, tồn kho hiện nay theo ước tính của các doanh nghiệp trong dân, trong tỉnh còn khoảng bao nhiêu? Còn các doanh nghiệp đề nghị cho biết số liệu đã xuất như thế nào và còn phải xuất bao nhiêu nữa?

Đặc biệt các doanh nghiệp cho biết, tình hình dự trữ theo yêu cầu của Nghị định 107 đã và đang thực hiện như thế nào? Có sẵn sàng bung lượng dự trữ này ra thị trường khi Chính phủ yêu cầu hay không?.

Sau đó, nếu có kiến nghị gì thì chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Vì dịch bệnh cũng như khuyến nghị tránh tụ tập đông người nên chúng tôi không mời được tất cả các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo đến dự, nhưng đã có văn bản gửi đi hơn 160 doanh nghiệp để xin thông tin, bảo đảm thông tin tổng hợp lên Thủ tướng Chính phủ là chính xác nhất.

Tin liên quan
Tin khác