Với tư cách Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cùng 5 thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần đầu tiên giãi bày những câu chuyện sau 6 năm tham gia đàm phán. Với họ CPTPP là Hiệp định có ý nghĩa tầm chiến lược lớn về tự do hoá thương mại trong bối cảnh giao thương trắc trở hiện nay.
Vì sao không Mỹ, CPTPP vẫn được các nước quyết liệt theo đuổi?
Không còn Mỹ, bàn cờ lợi ích các 11 nước thành viên còn lại trong CPTPP tất nhiên thay đổi. Thế nhưng các quốc gia vẫn đeo đuổi CPTPP vì lợi ích kinh tế vẫn còn dù nhỏ hơn TPP.
Thứ hai, sau 23 năm hình thành, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến giờ dù vẫn tốt nhưng không đủ để điều chỉnh những phát sinh trong diễn biến kinh tế thương mại thế giới. Có rất nhiều vấn đề mà hiện nay WTO không điều chỉnh được và trở nên lúng túng trước các đối tượng, các quốc gia như quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, kinh tế số…
Do đó, sớm hay muộn phải có một bộ quy tắc mới để điều chỉnh vấn đề mới của kinh doanh trong những năm đầu thế kỉ 21. Rất may mắn cho Việt Nam là có thể ngồi vào đàm phán những hiệp định mới như vậy. Việt Nam tham gia từ xây dựng quy tắc ngay từ đầu, khi nó chưa quá chặt chẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm quen với điều đó.
Việt Nam có vị trí quan trọng trên bản đồ thương mại thế giới. Việt Nam đang có quan hệ thương mại tự do với nhiều thị trường truyền thống, thị trường lớn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (áo trắng ngồi giữa) đã có những chia sẻ rất cởi mở và thẳng thắn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về những lợi ích và cơ hội của CPTPP |
Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á, châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với một khu vực chưa có Hiệp định thương mại tự do với bất kỳ quốc gia nào là Liên minh Kinh tế Á -Âu. Nếu CPTPP thành công và được phê chuẩn, Việt Nam lại có quan hệ thương mại tự do với khu vực thị trường lớn nhất thế giới.
Điều đó được xem là rất có ý nghĩa với các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Họ đầu tư vào một chỗ nhưng lại tự do bán được sản phẩm khắp nơi. Việc tham gia vào CPTPP và có quan hệ với 10 nước trong CPTPP càng khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam.
Biến Việt Nam trở thành thánh địa hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ về hàng hóa mà còn minh bạch thể chế.
Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại trỗi dậy, CPTPP là thông điệp hết sức quan trọng của 11 nước quyết tâm duy trì kinh tế mở, môi trường thuận lợi cho đầu tư và thương mại quốc tế.
Liệu Mỹ có quay trở lại? Có những người vấn kỳ vọng điều đó. Nhưng tôi xin khẳng định không có chuyện đó.
Hiệp định TPP mà chúng ta biết được ký tháng 2/2016 không bao giờ có nữa. Vì dưới thời ông Donald Trump chắc chắn Mỹ không quay lại. Nếu Mỹ có quay lại sẽ yêu cầu đàm phán một hiệp định mới hoàn toàn.
Nếu sau này ông Donald Trump không còn làm tổng thống nữa mà nữa mà đến đời tổng thống khác quay lại đàm phán với các thành viên thì cũng không còn TPP như lúc đầu. Nó sẽ là một hiệp định hoàn toàn mới. Lúc đó Việt Nam đã trải qua 5-7 năm trong CPTPP với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các nước sẽ có nhu cầu khác.
Cũng có nhiều người hỏi vì sao không có Mỹ mà CPTPP bỏ ra 20 điều khoản mà lại thêm chữ toàn diện và tiến bộ? Bởi 11 nước thành viên hiện tại muốn nó là Hiệp định độc lập, toàn diện và tiến bộ. Các nước để mở cơ hội cho các quốc gia khác nếu có nhu cầu tham gia.
CPTPP chỉ là điểm đến mới trong hội nhập của Việt Nam
Việt Nam đã có 23 năm mở cửa thị trường thương mại với việc gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) từ năm 1995. CPTPP chỉ là điểm đến mới trong hội nhập. Do đó, doanh nghiệp không thể coi mình là con nai trong hội nhập.
Theo ông Khánh, không có con nai nào mà giá trị xuất khẩu đạt 240 tỷ USD/năm cả. Các nước họ rất ngại thuỷ sản, dệt may, da giày Việt Nam. Việt Nam không có con nai. Nếu doanh nghiệp cứ nghĩ mình là con nai, mình sẽ thua.
Ông Khánh cũng thẳng thắn chia sẻ việc ủng hộ cách tiếp cận đúng đắn của ngành chăn nuôi Việt Nam. Ngành này đã nằm yên trong sự bao bọc của nhà nước nhiều năm. Các chuyên gia đàm phán của Việt Nam coi đó thánh địa Việt Nam.
Nên ngày trước mỗi khi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, họ không bao giờ động đến thịt lợn, thịt gà, trừ khi đối tác không có ngành đó. Nhưng riêng CPTPP lần đầu tiên Việt Nam đồng ý đưa mức thuế trong lĩnh vực này về 0% vì các thành viên trong đoàn đàm phán được khích lệ điều đó.
"Đã đến lúc có chút sức ép đối với đồng bào mình, thay đổi cách làm ăn cạnh tranh. Thái Lan họ cạnh tranh được thịt gà mạnh thế, không cớ gì mình không cạnh tranh nổi”, ông Khánh nói.
Cuối cùng ông Khánh cho rằng, chúng ta yêu cầu nước ngoài ăn quả thanh long, vải, gạo, uống cà phê, mặc quần áo, đi giày… của Việt Nam, nhưng lại không đồng ý cho họ bán con gà, cân thịt lợn, bò trên đất mình thì đó là là chuyện hết sức buồn cười. Nên mọi người, nhất là báo chí cần cởi mở hơn với doanh nghiệp quốc tế khi họ đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh.