Dự án vành đai 3 Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể đưa vào khai thác trong tháng 9/2020. |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đề nghị các thứ trưởng bộ này gồm các ông: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật và Lê Anh Tuấn tổ chức ngay các đoàn công tác để kiểm tra hiện trường các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao phụ trách; làm việc với lãnh đạo các địa phương để xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về công tác GPMB.
“Trong phạm vi các dự án được phân công theo dõi, từng thứ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, các chủ đầu tư/ Ban QLDA và các nhà thầu thi công khẩn trương xử lý, giải quyết các thủ tục đầu tư; tập trung thi công ở hiện trường để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, kế hoạch giải ngân đã đăng ký, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ BTVT chỉ đạo.
Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát các hồ sơ, văn bản hiện đang được các chủ đầu tư/Ban QLDA trình để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết theo quy định, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Tổng giám đốc, Giám đốc các chủ đầu tư/Ban QLDA có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp..khẩn trương hoàn thành các thủ tục: phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải quyết kịp thời các thủ tục nghiệm thu, thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về GPMB; tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết, đảm bảo tiến độ giải ngân dự án theo kế hoạch giải ngân đã đăng ký năm 2020.
Được biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng 37.438 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm 35.300,84 tỷ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020 và khoảng 3.789 tỷ được kéo dài kế hoạch vốn năm 2019 sang năm 2020.
ến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm (9.208/37.438 tỷ đồng), gồm 7.584 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 23,9% kế hoạch đã giao các chủ đầu tư (7.584/31.689 tỷ đồng), tương đương 22,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (7.584/33.649 tỷ đồng) và 1.624 tỷ đồng kế hoạch năm 2019 kéo dài, đạt 43% (1.624/3.789 tỷ đồng). Riêng trong tháng 4 giải ngân thêm được 1.711 tỷ đồng (lũy kế thực hiện đến hết tháng 4/2020 là 9.208/lũy kế thực hiện đến hết tháng 4/2020 là 7.497 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân của ngành GTVT trong quý I và tháng 4/2020 không chỉ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây mà còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước khoảng 6,5%.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tập trung nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đợt giãn cách toàn xã hội trong tháng 4 cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ GTVT đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thi công các dự án do Bộ quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Huy cho biết là Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt các Chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án phải kiện toàn, tăng cường năng lực cán bộ điều hành tại các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, chỉ đạo quyết liệt công tác nội nghiệp. Các cơ quan tham mưu của Bộ phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư.
Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan. Đặc biệt, phải kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.