Có thể thấy một trong những thành tựu nổi bật nhất của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua là đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ cho tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước. Chặng đường 5 năm qua được đánh dấu bởi những dấu ấn nổi bật cả về hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện hội nhập quốc tế. Nhưng khi nhìn lại cả chặng đường lịch sử 70 năm đồng hành cùng dân tộc, ta thấy trong bất kỳ giai đoạn nào, đối ngoại Việt Nam cũng luôn đóng góp xứng đáng vào việc đưa đất nước hòa nhịp vào dòng chảy chung của thời đại.
Tư tưởng hội nhập xuyên suốt 70 năm đối ngoại Việt Nam
Ngay từ buổi đầu lập nước, những văn kiện đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố liên quan đường lối, chính sách đối ngoại đã toát lên tư tưởng hội nhập quốc tế. Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946, Người khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực… Nước Việt Nam sẵn sàng chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.
Với vinh dự lớn lao được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại, các lực lượng đối ngoại Việt Nam đã thấm nhuần tư tưởng và tầm nhìn đi trước thời đại của Người về hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có tư tưởng hội nhập rộng mở với những chủ trương hết sức đúng đắn, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, chủ yếu là chiến tranh kéo dài và cục diện thế giới có sự đối đầu hai cực nên trong suốt thời gian dài, quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập của nước ta chỉ diễn ra chủ yếu với các nước trong các nước Xã hội chủ nghĩa. Phải đến khi Đảng và Nhà nước phát động công cuộc Đổi mới, Chiến tranh Lạnh kết thúc và thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hóa cao, chúng ta mới có điều kiện đẩy mạnh chủ trương hội nhập quốc tế vốn đã được thể hiện rất sớm từ nhiều thập niên trước qua tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đóng góp trong đổi mới tư duy, xây dựng chủ trương hội nhập quốc tế
Trong công cuộc Đổi mới 30 năm qua, đóng góp nổi bật nhất của đối ngoại vào tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta là việc nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các chủ trương, chính sách thông qua việc xây dựng các Nghị quyết, chiến lược, chính sách về đối ngoại và hội nhập kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay.
Sau khi chủ trương “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại được chính thức khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đại hội Đảng lần thứ VIII đã lần đầu tiên chính thức đề cập khái niệm “hội nhập” với việc khẳng định “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị Khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”.
Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành riêng một Nghị quyết về chủ trương hội nhập. Đến Đại hội Đảng X, Đảng ta tiếp tục khẳng định thêm một bước chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Đứng trước yêu cầu tình hình hội nhập kinh tế đầy đủ và sâu rộng, ngày 05/2/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới”.
Bước chuyển toàn diện và mạnh mẽ nhất là Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, nghĩa là mở rộng từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ Đại hội trước đó sang “hội nhập quốc tế toàn diện” trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội.., trong đó hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là trọng tâm. Sau Đại hội Đảng XI, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2012 “Về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.
Trong suốt hơn hai năm trao đổi, tham vấn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà khoa học, nghiên cứu cả nước, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì việc xây dựng nội dung Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị chính thức ban hành ngày 10/4/2013. Nghị quyết 22 đã xác định “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” và đề ra định hướng lớn để tổ chức thực hiện hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 15 (ngày 27/8/2015) của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế hiệu quả, thống nhất, nhịp nhàng giữa các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, quốc phòng và an ninh.
Triển khai mạnh mẽ công tác hội nhập quốc tế
Xác định rõ hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại luôn dành ưu tiên cao phục vụ phát triển kinh tế. Trước hết, trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác, nhất là các trung tâm kinh tế của thế giới, nội hàm kinh tế luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Những chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước đã tập trung thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, lao động, du lịch với các nước. Mặc dù kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn vẫn đối mặt với không ít khó khăn, trắc trở, song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU những năm qua vẫn tăng đều đặn, năm sau cao hơn năm trước. Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu ASEAN về giá trị xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ.
Chúng ta đã tham gia một cách tích cực, chủ động và hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại từ cấp độ tiểu vùng, khu vực, liên khu vực đến toàn cầu như Hội nghị Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyaoadi-Chao Phraya – Mê Công (ACMECS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)… Những đóng góp của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn nói trên về phát triển bền vững, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, giảm nhẹ thiên tai, tăng trưởng xanh… không chỉ phục vụ những lợi ích thiết thân của đất nước mà còn thể hiện trách nhiệm góp phần giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Sát cánh cùng các bộ, ban ngành phụ trách kinh tế đối ngoại, ngành Ngoại giao đã kiên trì tham mưu từ góc độ đối ngoại, vận động chính trị - ngoại giao thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang tầm khu vực và liên khu vực. Riêng năm 2015, ta đã kết thúc quá trình đàm phán hai FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh Châu Âu (EU), ký hai FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có 15 thành viên Nhóm G20 đóng góp gần 90% GDP toàn cầu và hơn 80% tổng thương mại thế giới. Việc chúng ta tham gia ngay từ đầu vào TPP, RCEP, AIIB và đi đầu trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy các lợi ích phát triển sát sườn của đất nước, đồng thời chủ động đóng góp vào việc xây dựng một cấu trúc khu vực ổn định, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng của Việt Nam nói riêng và các nước vừa và nhỏ nói chung. Trong 5 năm qua, chúng ta đã vận động thêm được 38 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng con số các nước đã công nhận đến nay lên 59 nước.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị và quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội có những bước chuyển về chất, đem lại vị thế mới cho Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên được mời phát biểu dẫn đề, khai mạc các diễn đàn quan trọng và uy tín hàng đầu khu vực và thế giới, từ Đối thoại Shangri-La đến Hội nghị Tương lai Châu Á, Hội Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á. Đây là điều mà chỉ mấy năm trước đó, chúng ta khó có thể hình dung được. Việt Nam cũng trở thành nước đi đầu ở Đông Nam Á về việc tham gia và đã phê chuẩn 7 trong số 9 Công ước chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người. Những bước đi mạnh mẽ, chủ động đó thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực của Ngoại giao Việt Nam vì lợi ích của nhân dân và quốc gia dân tộc trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế toàn diện.
Để đạt được những thành tựu đó, ngành Ngoại giao đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và doanh nghiệp cả nước. Từ năm 2011-2015, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 120 hội nghị, tọa đàm, lớp tập huấn nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho trên 6.000 lượt cán bộ đối ngoại địa phương và các doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Những hoạt động đa dạng nói trên đã giúp doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ hơn về những cơ hội và thách thức do tiến trình hội nhập quốc tế mang lại, từ đó nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế từ cấp trung ương đến địa phương.
Hội nhập hiệu quả - lợi ích thiết thực
Những nỗ lực không mệt mỏi của ngành Ngoại giao trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện đã phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế. Từ góc độ kinh tế, những thành tựu của hội nhập kinh tế quốc tế đã làm thay đổi diện mạo kinh tế đối ngoại của đất nước. Nếu như vào thời điểm 1986, hàng hóa Việt Nam mới chỉ có mặt ở 33 thị trường, thì đến nay hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,68%, cao nhất trong 5 năm qua và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2015 là 6,2%.
Báo cáo của các tổ chức uy tín cho thấy trong năm 2015 Việt Nam đã tăng 3 bậc về môi trường kinh doanh, 12 bậc về khả năng cạnh tranh toàn cầu và 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm trước. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 18.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 270 tỷ USD, tạo ra gần 3 triệu việc làm ổn định với thu nhập cao hơn mức trung bình cả nước. Đồng thời, chúng ta cũng đã đầu tư ra bên ngoài với gần 1.000 dự án có tổng số vốn khoảng 20 tỷ USD. Tổng số vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ quốc tế cam kết dành cho Việt Nam đến nay đã lên đến 90 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,98 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã cam kết.
Bên cạnh đó, lợi ích vô hình nhưng không kém phần quan trọng là tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện đã góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, việc có tới 8/15 quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập trong 5 năm qua - giai đoạn Việt Nam triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện - không chỉ mang lại những nội dung hợp tác thiết thực mà còn tăng giá trị chiến lược của Việt Nam lên rất nhiều trong chính sách của các nước lớn và các đối tác ưu tiên, quan trọng của chúng ta. Việc Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2015, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Chuẩn bị cho chặng đường phía trước
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra những chủ trương, quyết sách quan trọng để đưa đất nước tiếp tục tiến lên. Trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế tiếp tục được coi là định hướng chiến lược. Trên nền tảng những thành tựu quan trọng đạt được trong 5 năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy với một số trọng tâm chính như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế với tư duy coi trọng “văn hóa thực thi”. Trong đó, tích cực chuẩn bị bên trong để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế là then chốt, bởi giai đoạn từ nay đến năm 2018 có ý nghĩa quan trọng với việc Việt Nam đi vào thực thi các cam kết khi gia nhập WTO và các cam kết của các FTA thế hệ mới mà chúng ta vừa hoàn tất đàm phán hoặc ký kết, nhất là TPP.
Hai là, chủ động và tích cực cùng các nước thành viên triển khai Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Coi trọng việc đưa ra các sáng kiến, đề xuất hợp tác cụ thể trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh hoặc lợi ích trực tiếp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên góp phần định hướng chiến lược cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Ba là, nâng tầm đối ngoại đa phương, coi đây là một trong những công cụ chủ chốt để đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện. Chúng ta chuyển từ “tham gia” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” không chỉ trong nhận thức và tư duy và mà cả bằng hành động thực tiễn. Trong đó, địa bàn ưu tiên hàng đầu tiếp tục là ASEAN và các tổ chức, diễn đàn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, ngoại giao Việt Nam sẽ đóng góp chủ động, tích cực hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng…
Nhằm triển khai những nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài của hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, toàn ngành đối ngoại sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhân tố con người, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại từ trung ương đến địa phương chuyên nghiệp, vững vàng về bản lĩnh, ngang tầm khu vực và dần tiệm cận trình độ quốc tế. Với thế và lực mới của đất nước sau 30 năm Đổi mới, trên đà thành công của tiến trình hội nhập quốc tế thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng đối ngoại sẽ tiếp tục góp phần triển khai thắng lợi chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng ta trong chặng đường phía trước.