Chuyển động thị trường
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nhiều tỉnh, thành phố áp dụng PPP phát triển đô thị thông minh
Quang Hưng - 20/06/2018 10:28
Phát triển đô thị thông minh đã và đang thu hút và trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều địa phương tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bởi lợi ích thiết thực đối với việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị và nâng cao chất lượng đô thị.
Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc thực hiện chương trình phát triển đô thị xanh - thông minh và hợp tác công tư giữa các bên

Ngày 19/6, với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng Việt Nam; Bộ Đất đai hạ tầng giao thông và Đại sứ quán Hàn quốc, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Viện Công nghệ xây dựng Hàn quốc (KICT), Viện nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS) và Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) tổ chức Hội thảo “Phát triển đô thị xanh – thông minh và hợp tác công tư” tại khách sạn Lotte - 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Theo ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng,  phương thức hợp tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị. Hình thức này góp phần giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

"Do đó, để có được nguồn tài chính đủ đáp ứng phát triển đô thị thông minh, chỉ có thể huy động hai nguồn này theo phương thức hợp tác công tư”, ông Hà nói.

Ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng

Phương thức này mở ra thị trường và cơ hội đầu tư tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, tiêu thụ một lượng lớn các nguyên nhiên liệu sản xuất trong nước, hàng trăm tỷ đồng vốn tín dụng ngân hàng được đưa vào nền kinh tế, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động. Nhờ đó, người dân sử dụng dịch vụ được hưởng những dịch vụ công tốt hơn, đầy đủ hơn với mức chi phí hợp lí.

Chia sẻ thông tin về vấn đề này, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, đối với Nhà nước, hình thức đầu tư PPP bước đầu đã mang lại kết quả diện mạo kết cấu hạ tầng đô thị Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, tạo nhiều điểm nhấn về phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trong tình hình mới, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao điều kiện sống cho sống người dân.

Dựa trên chủ trương xây dựng các đô thị thông minh của Chính phủ, một số đô thị ở Việt Nam cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, điển hình như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… Một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh… Một vài tỉnh đã lập ban chỉ đạo, điều hành dự án.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

"Với những lợi thế sẵn có, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những thành công trong việc vận dụng phương thức PPP trong phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam", bà Linh cho biết.

Theo thống kê, Việt Nam có trên 817 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Phát triển đô thị thông minh đã thu hút và trở thành mối quan tâm đặc biệt của phát triển đô thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay bởi những lợi ích đối với việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị và nâng cao chất lượng đô thị.

Tuy nhiên, lựa chọn một chiến lược phát triển hợp lý để phát triển đô thị thông minh trên khắp cả nước cần chuẩn bị một nguồn lực đô thị rất lớn và là yêu cầu khó khăn đối với các đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển, hiện đại hóa về công nghệ hướng đến mô hình đô thị thông minh thì không thể chỉ trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước mà cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hoa Kỳ... cho thấy các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý phát triển đô thị hiệu quả và thành công hơn.

Tin liên quan
Tin khác