Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, ngành y tế có đủ khả năng, năng lực để điều trị nCoV. |
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh viên phổi cấp do virus nCoV chiều 5/2, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 10 ca dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện, 7 bệnh nhân đang điều trị tốt.
Giải thích về cách thức điều trị của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Hiện không có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu, chúng ta dựa trên nguyên tắc cơ bản, đầu tiên điều trị triệu chứng, cân bằng dinh dưỡng, điện giải, theo dõi thật sát nhất là liên quan đến diễn biến độ bão hòa oxy trong máu, tức là liên quan đến hô hấp. Nếu chúng ta phát hiện tình trạng suy hô hấp thì có các biện pháp can thiệp, can thiệp ở đây chỉ có mức độ thôi, mức nhẹ là cho thở oxy sau điều triệu chứng. Mức 2 là can thiệp thở có hỗ trợ, mức 3 mới thở máy chứ không phải các bệnh nhân đều phải thở máy".
Đến nay, khi tổng kết 10 trường hợp cho thấy, đa phần bệnh nhân điều trị triệu chứng, chỉ duy nhất có bệnh nhân Trung Quốc có nhiều bệnh lý nền là phải thở oxy không cần thở máy. Bộ Y tế đã rất thận trọng đưa ra phác đồ hướng dẫn điều trị và dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế để phòng lây nhiễm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành y tế liên tục cập nhật các phác đồ điều trị phù hợp và tiến bộ nhất trên thế giới như kinh nghiệm điều trị của Trung Quốc, Thái Lan, kể các phác đồ điều trị được coi là mới trên thế giới.
"Trên thế giới hiện nay, đặc biệt là Trung Quốc đang sử dụng thuốc điều trị HIV/AIDS dùng cho phác đồ điều trị HIV/AIDS bậc 2 khi phác đồ điều trị bậc 1 thất bại và cho thấy một số hiệu quả. Thuốc này ở Việt Nam đã sẵn sàng trong trường hợp chúng ta áp dụng phác đồ điều trị này. Trung Quốc dùng thuốc điều trị HIV dựa trên căn cứ, HIV cũng như virus corona có sợi RNA đều xâm nhập vào các tế bào, phá hủy, ly giải, làm tổn thương tế bào vật chủ khi nhân lên. Nên Trung Quốc cho rằng việc sử dụng những loại thuốc này có hiệu quả. Vì vậy phía Trung Quốc đã sử dụng các thuốc này. Chúng tôi khẳng định, ngành y tế có đủ khả năng, năng lực để điều trị nCoV", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về cơ sở điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị tất các các phưong án cho tình huống xấu nhất, tức là có rất rất nhiều bệnh nhân. Tuyến trung ương đã chuẩn bị 22 bệnh viện tuyến cuối lên tới 3.000 giường bệnh, bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng dùng toà nhà mới xây 500 giường để phục vụ cho việc này. Máy móc cũng đã tiến hành rà soát tổng thể lên tới gần 1000 máy thở.….
Nói thêm về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, trước mắt có 40 đội cấp cứu sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới. Ví dụ, BV Bạch Mai sẽ cùng đội cấp cứu xuống các địa phương để giúp tuyến dưới. Trường hợp nặng có thể lập cầu truyền hình để tuyến trung ương sẵn sàng ứng cứu các địa phương. Ngành y tế sẽ nỗ lực thực hiện như chỉ đạo của Thủ tướng là không để bệnh nhân tử vong.
Trả lời về vấn đề người điều trị khỏi sau đó có tái nhiễm hay không, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: "Rất may người bị nhiễm không có tái nhiễm, nó có miễn dịch nhưng thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu thì chưa có nghiên cứu đầy đủ, trước mắt nhận định là có thể được 2 năm".