Sau thay đổi thủy sản – trái cây – lúa gạo, thì làm gì?
Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL vừa được công bố, hơn ba thập kỷ qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với mô hình kinh tế truyền thống, tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng,...
Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình.
Bằng chứng là tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước và đồng bằng ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Trong dài hạn, khu vực này được cho là cần chuyển đổi thứ bậc cơ cấu, từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo.
Trước tiên, thông qua việc thay đổi tư duy về nguồn lực của đồng bằng, trong đó không chỉ coi trọng nước ngọt (phục vụ cho lúa gạo và trái cây) mà phải thấu hiểu nước mặn và nước lợ là các nguồn tài nguyên quý báu không chỉ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trong đất liền mà còn cho việc phát triển các nguồn lợi thủy sản ven biển.
Đề xuất chuyển đổi thứ bậc cơ cấu nói trên cũng được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu tại Diễn đàn Mekong Connect vừa được tổ chức ở Đồng Tháp, có sự tham dự của hàng trăm khách mời là chủ doanh nghiệp cũng như các chính khách, trong đó có ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nguyên Bí thư tỉnh Đồng Tháp).
“Bây giờ ta đảo thứ tự từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo rồi 5-10 năm nữa thì sao? Không lẽ lại đảo tới, đảo lui. Suy nghĩ coi còn gì nữa không?”, ông Lê Minh Hoan trăn trở trước khi dẫn nhập vào một sản phẩm rất quen thuộc, mang về 17 tỷ USD giá trị xuất khẩu cho Trung Quốc hàng năm. Đó là nấm.
Ông Lê Minh Hoan chia sẻ tại Mekong Connect 2020 (Ảnh: Hồng Phúc). |
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, ông đọc cuốn “Nền kinh tế xanh lam” và cảm thấy tâm đắc khi biết đến giá trị lớn mà sản phẩm nấm mang lại cho quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo số liệu trong quyển sách này, chỉ riêng sản phẩm nấm đã mang về 17 tỷ USD cho Trung Quốc, trong khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông sản Việt Nam bao gồm cả gạo, cá, rau, quả,.. cũng chỉ khoảng 44 tỷ USD.
Thêm vào đó, theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL, cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL đang khá hạn chế, không những thế lại đang bị chảy máu chất xám.
“Thời gian qua, Chính phủ cho ĐBSCL cơ chế sử dụng nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho y tế và giáo dục thì có sự chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng. Nhưng chất lượng đào tạo cần phải suy nghĩ. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay, đó là điều rất đau đáu", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp từng chia sẻ.
10 năm qua, có 1,3 triệu dân miền Tây “đi Bình Dương”. Cụm từ “đi Bình Dương” là câu quen thuộc của người trong vùng này khi rời quê hương để đến khu vực Đông Nam Bộ, trong đó đặc biệt tại Bình Dương tìm việc làm.
Trong khi đó, như vừa nêu ở trên, mỗi năm, riêng ngành nấm tại Trung Quốc góp phần tạo cơ hội việc làm cho 10 triệu dân nông thôn.
“Nếu mình làm như họ, tạo việc làm ở nông thôn với riêng ngành nấm có thể gần 1 triệu người có việc làm, giá trị xuất khẩu khiêm tốn khoảng 7 tỷ USD. Tại sao không mơ mộng, ngoài việc đảo thứ tự thuỷ sản - trái cây- gạo? Họ trồng nấm trên rơm, bã mía, lõi bắp, lục bình - những thứ rất sẵn ĐBSCL, trong đó lục bình quá nhiều còn là vấn nạn cần giải quyết của Vùng. Đặc biệt, có thể trồng trên bã cà phê, vì giờ mình mới sử dụng 0,2% toàn bộ khối lượng, lãng phí 99,8% hạt cà phê từ thịt của quả, tới bã đã xay”, ông Hoan gợi ý dựa trên ước tính tạm thời về dân số giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Các sản phẩm của Cỏ May- Đồng Tháp như nấm rơm, gạo Long Châu 66 lúa tôm,...được trưng bày tại Mekong Connect (Ảnh minh họa: Hồng Phúc). |
Hay với ngành mía đường trong nước, có thể khai thác toàn bộ giá trị của cây mía cho nhiều mục đích phụ phẩm khác nhau, thay vì chỉ tận dụng chất đường, trong khi các Bộ ngành đến doanh nghiệp đang vất vả vực dậy ngành này do sự cạnh tranh khốc liệt của mía đường Thái Lan.
Những ví dụ về trồng nấm trên bã mía, lục bình hay bã cà phê mà ông Hoan nhắc đến đều muốn chỉ ra hướng phát triển bằng cách tận dụng triệt để những gì đang có, thay vì loay hoay tìm tòi đâu xa.
Thêm vào đó, khoa học- công nghệ được cho là cơ sở mở ra những cơ hội hết sức to lớn với Vùng.
Ông Lê Minh Hoan bày tỏ ao ước, các doanh nghiệp dẫn đầu ở miền Tây sẽ nghiên cứu thành lập Viện nghiên cứu tư nhân rồi phối hợp với các Viện của Nhà nước để nhận chuyển giao đề tài nghiên cứu, ứng dụng.
Dĩ nhiên, vị này cũng nhận định, để đưa nấm trở thành một ngành xuất khẩu tỷ USD sẽ không dễ thực hiện.
Trung Quốc cũng đã phải trải qua nhiều năm mới đưa ngành này phát triển như hiện nay. Nhưng, phải có đi thì mới có cơ hội đến đích.
Trăn trở "vắng bóng con cua trên đồng"
Cách đối xử với thiên nhiên tạo nên thương hiệu vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là bảo chứng cho giá trị nông sản Việt Nam nói chung.
Quan điểm này cũng được ông Lê Minh Hoan rút ra sau khi đọc cuốn "Nền kinh tế xanh lam" đã nêu, đề cập nhiều đến việc phục hồi hệ sinh thái tuần hoàn.
Trong một báo cáo của World Bank năm 2017, các nhà khoa học của tổ chức này đã gọi những khu vực tại ĐBSCL mà các sinh vật bản địa không còn sinh sống nổi là những "vùng đất chết", vì lạm dụng thuốc hóa học.
Nông dân thu hoạch lúa tại An Giang (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc). |
Ông Nguyễn Trọng Bình, giảng viên tại đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long cũng trăn trở, vài chục năm qua, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng đồng thời, hệ sinh thái của vùng đồng bằng cũng ngày càng bị bào mòn.
Đáng nói hơn là cái nghèo vẫn không chịu buông tha những nông dân quanh năm cổ chân mọc rêu xanh. Chủ trương "làm ba vụ lúa" đã khiến đất đai bạc màu vì không có thời gian nghỉ ngơi.
Và để không bị lâm vào cảnh mất mùa, hàng triệu nông dân đã phải sử dụng hóa chất. Hậu quả là không chỉ con cua đồng trong ký ức tuổi thơ ông Bình mà nhiều loài sinh vật khác của hệ sinh thái vùng đồng bằng cũng dần vắng bóng.
Nhưng nếu không bắt tay vào làm, sẽ không bao giờ có được hệ sinh thái phát triển bền vững.
Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không chỉ quan tâm vấn đề chất lượng sản phẩm mà còn đề cao các vấn đề phi kỹ thuật như tác động môi trường, con người, lịch sử văn hoá địa phương,…
Và vấn đề lớn này có thể được giải quyết nếu mối liên kết bền chặt giữa mọi thành tố được hưởng lợi từ hệ sinh thái đến từ tinh thần cởi mở.
Trong buổi trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Marvin đang đầu tư tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan có gửi gắm mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Úc đầu tư vào tỉnh nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu này.
Song, lãnh đạo Tập đoàn Marvin bày tỏ, “doanh nghiệp Úc không biết Đồng Tháp hay Cần Thơ. Nhưng nói Mekong Delta thì ai cũng biết”.
Vị này còn thẳng thắn gợi mở, khi thực hiện các chiến lược phát triển, hãy liên kết để xây dựng thương hiệu chung cho cả vùng đồng bằng thay vì mạnh ai, nấy làm.
“Không ai có sức mạnh, quyền năng tuyệt đối ở trong thời buổi nhiều biến động này. Đừng bao giờ nghĩ mình luôn nắm cán trong cuộc chơi nếu không thích ứng thay đổi. Hãy trồng nhiều hoa, cỏ dại sẽ lụi dần. Ca cẩm thì cứ ca cẩm nhưng hãy làm gì đó”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng.