Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh, với tổng chiều dài là 176 km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1046 km).
Tổng vốn đầu tư 43.836 tỷ đồng do vốn của tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân trong nước bỏ ra (trong đó vốn đầu tư của tỉnh là 15.607 tỷ đồng, chiếm 35,5%, vốn các doanh nghiệp tư nhân là 28.229 tỷ đồng, chiếm 64,5%). Toàn tuyến cao tốc được thiết kế với vận tốc 120 km/h.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. |
Nói về quá trình triển khai các tuyến cao tốc của Quảng Ninh, Thủ thướng nhắc lại: Cách đây 10 năm, Quảng Ninh đã bắt đầu quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công. Quá trình này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm, vừa xây dựng đề xuất); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo qui định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư).
Các vấn đề kỹ thuật khác như vấn đề độ cao cầu, tĩnh không thông thủy cầu cũng mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi; vấn đề khai thác của nhà đầu tư thế nào khi địa phương cùng đầu tư; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch COVID-19, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn,...
"Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật..., để rồi ngày hôm nay chúng ta khánh thành và thông xe toàn tuyến kết nối 3 của khẩu Quốc tế lớn nhất khu vực miền Bắc từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn (3 cửa khầu: Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái)", Thủ tướng khẳng định và tuyên bố khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trước khi cắt băng khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được khánh thành sáng ngày 1/9/2022 và cho người dân lưu thông từ 15h cùng ngày. |
Tuyến cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển
Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ban đầu được triển khai theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 418 ngày 09/12/2018.
Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hợp đồng BOT thành 02 dự án độc lập với chiều dài toàn tuyến 80,23 km, có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h.
Trong đó, dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng chiều dài 16,08 km, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng. Còn dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, tổng chiều dài 63,25 km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng.
Cầu Vân Tiên là cây cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh, dài 1.515m. |
Đây là tuyến cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9 km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến). Trong đó, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên có 7 cầu, tổng chiều dài 3.812,6m; Đoạn Tiên Yên Móng Cái 25 cầu, tổng chiều dài 3.625,9 m. Riêng cầu Vân Tiên là cây cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh, dài 1.515m.
Hệ thống giao thông thông minh ITS được trang bị hiện đại với tổng cộng 66 camera CCTV có thể quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1 km, được ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Suốt dọc tuyến cao tốc còn được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại bậc nhất cả nước.
Việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được thực hiện theo phương thức thu phí kín và triển khai thu phí theo hình thức không dừng (ETC). Trên tuyến bố trí tại 04 vị trí ra vào cao tốc. Trong đó, tuyến chính đặt tại Km112+900 (trạm thu phí đầu tuyến) và Km146+500 (trạm thu phí cuối tuyến). Trên tuyến nhánh, đặt tại nút giao Đầm Hà tại Km122+400 và nút giao Hải Hà tại Km143+350.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai đi qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP. Móng Cái, tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam với chiều dài lên đến gần 600 km, trong đó Quảng Ninh là tỉnh có số km lớn nhất cả nước gần 176 km.
Thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long chỉ còn 01 giờ 30 phút (Đi theo QL18 mất khoảng 03 giờ); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (hiện tại mất 5,5 giờ)
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, là nhà đầu tư đoạn tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group tự hào: "Sau Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Sân bay Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, những công trình được Sun Group thực hiện với tốc độ thi công thần tốc, với chất lượng, đẳng cấp quốc tế, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân - một “động lực quan trọng” để phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói".
Hoàn thành mảnh ghép cuối cùng
Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một hợp phần, mảnh ghép cuối cùng để cùng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long và Hạ Long - Vân Đồn hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài 281 km. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được liên thông với tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600 km; đưa tỷ lệ đường cao tốc Quảng Ninh chiếm gần 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh: “Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa động lực, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh, quốc gia và khu vực; đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển và các tỉnh miền núi phía Bắc với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các khu danh lam thắng cảnh, khu di tích văn hóa tâm linh…trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa động lực, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh. |
Ông Văn cũng nhấn mạnh thêm, với trục cao tốc dọc tỉnh được hoàn thiện sẽ tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội; tạo động lực phát triển toàn diện của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc; giảm tải lưu lượng giao thông trên QL18; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực”.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa duy trì tổ chức thi công liên tục, trong đó nhiều đơn vị thi công, lực lượng chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động ở lại lâu nhất trên công trường, liên tục xuyên qua 2 dịp Tết nguyên đán cổ truyền Canh Tý và Nhâm Dần.
Công trình đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ cao của người dân, chỉ sau 15 ngày phát động, toàn bộ 1.186/1.186 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh dự án tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công dự án, 326 hộ phải bố trí tái định cư, 320 ngôi mộ phải di chuyển, với diện tích thu hồi khoảng 527ha.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được liên thông với tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600 km; đưa tỷ lệ đường cao tốc Quảng Ninh chiếm gần 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước. |
Với quyết tâm, đồng lòng, sau 25 tháng thi công, đến nay Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành và khánh thành đưa vào sử dụng ngày hôm nay, mùng 1/9.
(1) Con đường của NIỀM TIN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự đồng thuận, ủng hộ, hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
(2) Con đường của KHÁT VỌNG, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
(3) Con đường mang tầm nhìn CHIẾN LƯỢC mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với vùng Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…
(4) Con đường của KẾT NỐI đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.
(5) Con đường của TRÁCH NHIỆM với sự nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư; cường độ làm việc không ngừng nghỉ của hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân viên và máy móc thiết bị để hoàn thành trên 80 km đường cao tốc, với 35 cây cầu trong vòng 500 ngày đêm trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.
(6) Con đường THÂN THIỆN chào đón bạn bè trong, ngoài nước tới các vùng Di sản.