Thời sự
Thủ tướng chấn chỉnh việc nhập khẩu máy móc lạc hậu
Nam Kinh - 12/08/2013 17:20
Sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu khiến năng suất lao động tổng hợp (TFT) của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh nhiều loại hàng hóa rất thấp.
TIN LIÊN QUAN

Không ít tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém, là lý do chính khiến Thủ tướng Chính phủ vừa phải ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát và kịp thời chấn chỉnh hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới

Nguyên nhân chính của tình trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém, theo Chỉ thị 17/CT-TTg là do một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu trong quá trình nhập khẩu; việc kiểm tra, giám sát, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến, cao phù hợp với dự án đầu tư đã được phê duyệt, khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị có tính năng vượt trội về tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thân thiện môi trường.

Trong trường hợp cần thiết phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để tạo tài sản cố định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; cấm doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.

Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư phải có nội dung giải trình về công nghệ kèm theo danh mục máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu với các thông số, tính năng kỹ thuật chủ yếu và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi nhập khẩu.

Đối với công nghệ, máy móc, thiết bị thuộc hợp đồng EPC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nếu có nội dung chuyển giao công nghệ thì phải lập thành mục riêng hoặc phụ lục của hợp đồng EPC nội dung chuyển giao công nghệ, danh mục máy móc, thiết bị với các thông số kỹ thuật và tính năng theo yêu cầu, nguồn và xuất xứ của máy móc, thiết bị, năm sản xuất, tình trạng cũ mới.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ dự án đầu tư phải có nội dung giải trình về công nghệ kèm theo danh mục máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu với các thông số và tính năng kỹ thuật chủ yếu để xem xét, thẩm tra trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thiết bị máy móc, công nghệ dây chuyền sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lao động tổng hợp (TFT) của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa nhiều vào vốn và lao động, yếu tố TFT đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Theo Báo cáo Báo cáo Năng suất năm 2012 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong giai đoạn 2005-2010, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Hàn Quốc là 63%, Đài Loan là 59%, Ấn Độ là 48%, Indonesia là 42%, Philippines là 41%... Còn Việt Nam, đóng góp của TFP vào tăng trường GDP trong giai đoạn này thậm chí còn bị âm 6% (gia tăng vốn nhưng không làm tăng thêm được đầu ra là GDP).

Trong 2 năm vừa qua, đóng góp của TFT vào GDP mặc dù được cải thiện, nhưng TFT cũng mới chỉ đóng góp vào GDP 4-5%; còn lại do sự đóng góp của nhân tố vốn và lao động.

“Do máy móc, thiết bị , công nghệ lạc hậu nên năng suất lao động rất thấp, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Tốc độ tăng năng suất lao động của xã hội chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp gia công, lắp ráp. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và hàng công nghiệp có giá trị gia tăng thấp”, TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương bình luận.

Còn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta thấp, quy mô nhỏ cộng với công nghệ, thiết bị, máy móc lạc hậu khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế cao.

Tin liên quan
Tin khác