Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, diễn ra sáng 15/3.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, diễn ra sáng 15/3. (Ảnh: VGP) |
Du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).
Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). (Ảnh: VGP). |
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
“Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng gợi ý nên có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh: VGP) |
Khắc phục du lịch "một mùa"
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu phải xác định bối cảnh của một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, ngành du lịch của Việt Nam lại phát triển sau các nước; chúng ta mong muốn phát triển du lịch nhanh, bền vững nhưng các nhiệm vụ, giải pháp cần không cầu toàn cũng không nóng vội, kiên trì, bản lĩnh, bình tĩnh, phân tích, đánh giá những kết quả, thuận lợi cần phát huy, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua.
Nhìn lại 1 năm mở cửa, mà rộng hơn là giai đoạn từ 2016 tới nay, có thể đánh giá ngành du lịch Việt Nam đã đạt kết quả đáng phấn khởi, trân trọng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch.
Chia sẻ một số quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết hình thành chuỗi giá trị du lịch; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. (Ảnh: VGP). |
Tăng số lượng nước được miễn thị thực, kéo dài thời gian lưu trú
Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm. Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.
Hai là, phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tất cả các chủ thể liên quan, trong đó có Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng chung tay phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ba là, tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành. (Ảnh: VGP) |
Phấn đấu thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.
Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.
Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ phát hỗ trợ phát triển du lịch.
Khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.
Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.
Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.