Thời sự
Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư
Nguyên Đức - 07/08/2014 08:48
() Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư chính thức khai mạc tại TP. Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững
“Với các nhà báo tôi không chỉ muốn nói lời chúc mừng…”
Phương thuốc trị bệnh đầu tư dàn trải, lãng phí
Hết cảnh tấp nập địa phương lên bộ, ngành xin dự án
   
  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 7/8  

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Hội nghị được tổ chức vào thời điểm quan trọng của sự phát triển của kinh tế đất nước, khi cơ hội và thách thức đan xen.

   
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư sáng 7/8  

“Chúng ta cần phải hành động để tránh các rủi ro bẫy thu nhập trung bình, cũng như làm sao để tận dụng được các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, vì thế, việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 -2020 là hết sức hệ trọng.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, việc Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua là một bước tiến mới để đưa công tác đầu tư phát trển của đất nước vào nề nếp, quy củ hơn.

“Sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư. Trước đây, chúng ta làm hàng năm, nay là 5 năm và gắn chặt với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và nhấn mạnh đó là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ ngay trước thềm Hội nghị đã ban hành hai chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020.

“Phân bổ vốn đầu tư theo 5 năm sẽ thay đổi cách làm manh mún trước đây. Đây là cách làm thông lệ quốc tế, không mới, nhưng ở Việt Nam là rất mới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng đã quán triệt các nguyên tắc cơ bản việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016  - 2020 tới các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…

Mục tiêu cụ thể, phần đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 là  6,5-7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đã quán triệt các nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020 tới các đại biểu.

Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn nhằm đảm bảo tính chất căn cơ, lâu dài, hạn chế cơ chế xin - cho đối với đầu tư công.

“Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ giúp bộ, ngành, địa phương chủ động phân bổ nguồn lực, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công”, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công…

Một nội dung quan trọng khác, đó là phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan
Tin khác