Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”.
“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng ghi nhận nhiều thành tựu của ngành nông nghiệp như triển khai hiệu quả các đề án phát triển ngành (chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản...); cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival tôm Cà Mau...).
Lần đầu tiên Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng; là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Bước sang năm 2024, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào những giải pháp trọng tâm như giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2024; tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường đồng thời coi trọng thị trường nội địa,…
Dù năm 2024 tiếp tục được dự báo là có những thuận lợi và thách thức đan xen; ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, nhưng Thủ tướng tin tưởng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, với kinh nghiệm và thành quả của năm 2023, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.