Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương sáng 15/1/2018. (Ảnh: VGP). |
Hôm nay, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu.
Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Ngành đã kiểm soát tốt khâu nhập khẩu, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỷ USD.
Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội.
Công tác theo dõi, phản ứng chính sách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn; năng lực tham gia xử lý các vấn đề về tranh chấp thương mại của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn...; qua đó, công tác xử lý các vấn đề phát sinh từ hội nhập cũng được chúng ta xử lý một cách bài bản và có hiệu quả hơn.
Năm 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện: Từ cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ; thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính của Bộ (trong đó cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC); triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành Công thương đã hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ của năm 2017.
“Việc hoàn thành nhiệm vụ càng giá trị hơn khi đặt trong bối cảnh trong năm qua có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ngành, không ký được TPP 12, ít nhiều đều ảnh hưởng đến xuất khẩu. Nhiều khuyết điểm, bấp cập tại các dự án đầu tư không hiệu quả của ngành Công thương những tưởng làm ngành nhụt chí, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu vẫn hoàn thành vượt mục tiêu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng còn chỉ rõ, trong điểm sáng tăng trưởng của ngành công nghiệp, nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao với tăng 14,5 mức tăng cao nhất trong 7 năm qua trong khi khai khoáng giảm... là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017
Bên cạnh đó mô hình tăng trưởng công nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét và tích cực dựa trên tăng ngành chế biến và chế tạo, giảm dần nhập khẩu. Nguyên nhân là sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp có hướng thay nhập khẩu, nhiều sản phẩm công nghiệp cấp 2 từ da giày, vi tính, quang học, cao su, kim loại, sắt thép, ti vi, phân bón… tăng sản xuất và thay thế cho nhập khẩu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhiều địa phương đã có đóng góp lớn trong phát triển công nghiệp, điển hình như Bắc Ninh 37%, TP.Hồ Chí Minh 7,9%, Quảng Nam 8,1%, và cũng nhờ đầu tư phát triển công nghiệp, một số địa phương đã thoát nghèo…
“Ngành Công thương có tầm quan trọng với một quốc gia. Không có công nghiệp, thương mại thì không thể nào có tăng trưởng. Năm 2017, doanh nghiệp trong nước đều cố gắng vượt khó, khi nhìn vào các dự án đầu tư đều có nhân tố mới”.
Dẫn chứng trong lĩnh vực ô tô, Thủ tướng nhấn mạnh, đã xuất hiện thêm nhiều dự án mới, như Tập đoàn Vingroup với Dự án sản xuất Vin Fat, hay Trường Hải, Thành Công... cần phải khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân để có thêm các dự án đầu tư.
Dầu khí, than, khoáng sản tổng quát ứ đọng tiêu thụ, nhưng nhìn chung có lãi như TKV, hay Tập đoàn Hóa chất có 4 đơn vị khó khăn nhưng 18 đơn vị còn lại có lãi, dệt may khó khăn nhưng tăng trưởng cao nhất.
Xuất khẩu giày dép, túi xách 18 tỷ USD, dệt may cũng 32 tỷ USD, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt cũng không hề đơn giản.
Thủ tướng cho rằng, vụ Sabeco bán vốn nổi tiếng nhất, thương vụ bán vốn lớn nhất toàn cầu vào cuối năm là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cổ phần hóa, thoái vốn. "Nếu ta bán vốn vào đầu năm hoặc giữa năm, chưa chắc đã đạt được con số 110.000 tỷ đồng".