Thủ tướng Chính phủ: “Triển khai hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi tối đa, giảm tối đa tất cả chi phí cho người nộp thuế chính là thu lòng dân để thu thuế”. |
70% số lượng hóa đơn đã được điện tử
“Thu thuế phải thu được lòng dân, câu dặn dò của Bác với ngành thuế mấy chục năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong nền kinh tế số ngày nay, thu được lòng dân mới thu được thuế. Chính vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, giảm tối đa tất cả chi phí cho người nộp thuế, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ chính là thu lòng dân để thu thuế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Kết thúc giai đoạn một (thí điểm) triển khai hóa đơn điện tử tại 6 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định (từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022), theo số liệu của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã xử lý 58 triệu tờ hóa đơn theo phương thức điện tử.
“Giai đoạn một đã kết thúc với 60% số lượng doanh nghiệp, khoảng 70% tổng số lượng hóa đơn trên cả nước được thực hiện theo phương thức điện tử. Giai đoạn này vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới sự thành công trong áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã thành công rất tốt đẹp để chính thức bước sang giai đoạn hai Mục tiêu đặt ra là kể từ 1/7/2022 sẽ chấm dứt vai trò của hóa đơn giấy truyền thống, mở ra giai đoạn mới trong quản lý, sử dụng hóa đơn đó là hóa đơn điện tử”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Là một trong 6 địa phương được thí điểm triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được quyết định triển khai hóa đơn điện tử, UBND tỉnh đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.
"Để triển khai nhiệm vụ trọng tâm này, Quản Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo do đích thân lãnh đạo tỉnh làm trưởng ban, chỉ đạo các sở, ban, ngành sát cánh cùng ngành thuế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và kết quả đạt được ngoài mong đợi. Kết thúc năm 2021, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức và kết thúc 31/1/2022, toàn bộ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, trước 2-3 tháng so với yêu cầu của Bộ Tài chính”, ông Văn chia sẻ.
Đạt được kết quả này, theo ông Văn, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, quyết tâm của ngành thuế. chính là sự đồng thuận của người nộp thuế. Vì hóa đơn điện tử đã giảm thiểu chi phí thời gian, công sức, nhân lực cho người nộp thuế trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn.
Tham gia thí điểm áp dụng ngay từ đầu, bà Nguyễn Thị Truyết Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty Garsoni cho biết, hóa đơn điện tử là giải pháp hữu hiệu nhất và là xu hướng tất yếu trong môi trường kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng cao chưa từng thấy.
“Khi chúng tôi áp dụng hóa đơn điện tử cũng là thời điểm rất nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn tăng trưởng rất mạnh. Khá nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động được, ngoài nguyên nhân do tác động tiêu cực bởi dịch bệnh còn có lý do rất quan trọng là các doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa đơn giấy truyền thống, không thể đáp ứng được nhu cầu trong thương mại điện tử khi mà người mua, người bán không tiếp xúc trực tiếp nên việc xuất hóa đơn rất khó khăn”, bà Trinh chia sẻ.
Hóa đơn điện tử góp phần rất lớn trong chuyển đổi số, chính phủ số
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, để chuẩn bị cho giai đoạn 2, Tổng cục Thuế đã lựa chọn một số tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có đủ điều kiện để ủy quyền cấp mã hóa đơn điện tử trong trường hợp hệ thống của cơ quan thuế gặp sự cố và hoàn thiện các tiện ích nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế khi sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã rà soát bổ sung năng lực hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2 tại 57 địa phương và tiếp tục trang bị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu khi các tập đoàn, tổng công ty và 63 tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai.
“Với sự chuẩn bị chu đáo, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Tổng cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT”, ông Tuấn cam kết.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải cũng rất “hào hứng” khi hóa đơn điện tử thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy, bởi theo bà, ngoài các lợi ích về kinh tế, thời gian, nhân lực thì hóa đơn điện tử còn góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, thất thuế, trốn thuế.
“Chúng tôi xác định, hóa đơn điện tử góp phần rất lớn trong chuyển đổi số, chính phủ số chính vì vậy, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành để triển khai khi thực hiện giai đoạn 2. Không chỉ yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong thời gian triển khai hóa đơn điện tử mà còn lấy nhiệm vụ này để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của từng sở ngành, từng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.
Thái Nguyên quyết tâm nằm trong nhóm dẫn đầu về chính phủ số, chuyển đổi số nên bà Hải đã mạnh dạn cam kết với Thủ tướng sẽ hoàn thành 100% số doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 30/4/2022.
Việc tất cả các địa phương, doanh nghiệp cam kết xóa bỏ hóa đơn giấy để áp dụng hóa đơn điện tử kể từ 1/7/2022, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính thì đây là bước ngoặt quan trọng để hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và công dân số.
Chuyển đố số là xu thế tất yếu trên thế giới. Trong “dòng chảy số”, theo Thủ tướng, Việt Nam không thể đứng ngoài, vì vậy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chuyển đổi số và coi đây là một trong những đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên cần phải có sự ưu tiên, trong đó, ngành thuế được lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
“Thu thuế phải thu được lòng dân”, nhắc lại lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tài chính làm sao phải tạo ra động lực để người dân có thu nhập nộp thuế và quan trọng không kém là tự nguyện nộp thuế. “Áp dụng hóa đơn điện tử là phương thức căn bản để thay đổi phương thức quản lý thuế, không chỉ lấy được lòng dân mà còn góp phần đặc biệt quan trọng vào chuyển đổi số quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.