Ngày 5/1/2017, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2017. Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ý kiến tham luận, kiến nghị của một số tổ chức tín dụng phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực dù phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành Ngân hàng, mạch máu của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng cũng còn một số điểm bất cập, cần được nhìn nhận thẳng thắn để sớm có biện pháp khắc phục ngay từ năm 2017, cụ thể:
Thứ nhất là quy mô, năng lực nội tại của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam còn khá nhỏ so với khu vực và nhu cầu của nền kinh tế, nhân lực, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập trong khi năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai là mặt bằng lãi suất và nợ xấu vẫn còn cao, chưa xử lý được “điểm nghẽn” cốt lõi về nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng, nên chưa thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững của ngành Ngân hàng và của nền kinh tế.
Thứ ba, rủi ro hoạt động tín dụng vẫn đáng lo ngại; mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn chưa đồng đều giữa dân cư và tổ chức kinh tế, tình trạng tín dụng đen khá phổ biến ở các vùng nông thôn xa xôi.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ giao trọng trách cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết này: điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hiệu quả để kiểm soát lạm phát (bình quân dưới 4%), giữ ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô đạt mục tiêu 6,7%; đồng thời thực hiện các giải pháp đột phá để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém và giải quyết vấn đề nợ xấu thực chất.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành Ngân hàng:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, sát thị trường hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa để vừa ổn định và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát tốt lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Cơ chế điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thay đổi theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính mệnh lệnh hành chính, nhất quán, công khai, dễ dự báo để doanh nghiệp và người dân chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đời sống. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn trên 5.000 tỷ đồng... Đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách để đổi mới cơ chế triển khai, tăng tính cạnh tranh, công khai, minh bạch bằng sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng.
Ngành Ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất từ đó giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ góp phần tiết kiệm chi phí huy động vốn cho nhà nước khi phát hành trái phiếu Chính phủ. Các ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực ưu tiên cụ thể như: nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, khởi nghiệp...