Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số nội dung để các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ quy hoạch khác với chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm như thế nào. Việc xây dựng Quy hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, để cụ thể hóa thành quy hoạch bảo đảm, khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, kiểm tra. Đồng thời, phải đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo với các "số liệu biết nói" cụ thể.
Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá, đồng thời chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…)
Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng Quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển về nội dung này.
Thủ tướng gợi ý quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…
Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển, gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.
Thủ tướng cũng lưu ý cách thức huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch (gồm nhân lực, vật lực, tài lực; trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài), trong đó yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".
Lưu ý thêm việc đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.
Công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.
Hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng