Thủ tướng cho rằng, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Ninh Thuận có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được. Đặc biệt Ninh Thuận cũng có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc.
Kỳ vọng và tin tưởng Ninh Thuận có thể phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, Thủ tướng cho rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư nhiều dự án điện gió, chăn nuôi và xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng vốn cam kết đầu tư lên đến gần 9.500 tỷ đồng. |
"Ninh Thuận phải cùng với Chính phủ và các địa phương cam kết xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đặc biệt cần có hình thức phù hợp để tôn vinh doanh nghiệp. Tập trung tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng doanh nghiệp” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, những điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống đang tạo cho Ninh Thuận lợi thế so sánh, cạnh tranh đặc biệt trong số các tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá, môi trường đầu tư của Ninh Thuận vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển song với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới chỉ đứng thứ 42/63 tỉnh thành, thấp hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, với số lượng khoảng 2.000 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với cả nước, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng trưởng GDP và thu ngân sách.
“Tỉnh cần có hình thức tôn vinh doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, đồng thời đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển mà các chính sách của Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần hướng tới và hỗ trợ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận chú trọng liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển lâu dài thông qua kết nối với các địa phương trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, tỉnh phải lưu ý để thực hiện các cam kết, đồng hành với nhà đầu tư.
Thủ tướng khẳng định rằng, chính quyền mọi cấp, mọi ngành cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, cần tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư. Phải ràng buộc trách nhiệm và hành động với lời nói, tạo ra chữ tín của người phục vụ nhân dân.
“Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó doanh nghiệp tự tìm đến làm ăn, phát triển, gắn bó với địa phương đó mà không nhất thiết cần có những ưu đãi nặng tính kỹ thuật như ưu đãi về thuế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương làm chính sách một cách khoa học, tổng thể, không mâu thuẫn, chồng chéo, mang định hướng thị trường, tầm nhìn xa. “Đừng để xảy ra tình trạng băm nát bãi biển rồi chia lô bán nền, không có tầm nhìn xa hơn để phát triển đất nước”, Thủ tướng nói. Quy hoạch rõ ràng, thống nhất sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tối ưu hóa giá trị đất đai và phân bổ tài nguyên.
Cũng tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các doanh nghiệp đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư nhiều dự án điện gió, chăn nuôi và xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng vốn cam kết đầu tư lên đến gần 9.500 tỷ đồng.