Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ (Ảnh Duy Linh). |
Một trong số đó là hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế.
Chưa bao giờ cân đối lớn vững chắc như vậy
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 sáng 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thể khái quát thành tựu nhiệm kỳ qua trong 5 cân đối hài hòa lớn.
Thứ nhất, đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội. Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thứ hai, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm Đổi mới và là 6,8% trong 2016 - 2019; người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Tăng trưởng sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận nhưng không được xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường tự nhiên, đó là chuẩn mực của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và là xu thế văn minh toàn cầu.
Thứ ba, hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ tư, hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hàng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại.
Thứ năm, hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác.
"Có thể nói chưa bao giờ kể từ khi Đổi mới, những cân đối lớn về kinh tế này của chúng ta được bảo đảm ngày càng vững chắc như vậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.
5 bài học kinh nghiệm lớn
Nhìn lại cả nhiệm kỳ, Thủ tướng nêu rõ, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã coi đó là thách thức phải dám nghĩ, chấp nhận, dấn thân vượt qua rủi ro để quyết làm, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển.
Thực tiễn và thành quả đạt được giúp chúng ta tự tin vững bước tiến lên, trong đó có 5 bài học kinh nghiệm lớn - Thủ tướng đúc kết.
Ông nói, kinh nghiệm hàng đầu là quán triệt sự lãnh đạo của Đảng để thể chế hóa thành các chủ trương, đường lối phù hợp; chấp hành sự giám sát của Quốc hội; kịp thời báo cáo Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành chính sách, pháp luật làm cơ sở cho Chính phủ điều hành kinh tế, xã hội, xử lý những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra.
Hai là, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, phải sâu sát lắng nghe từ thực tiễn sôi động, nhận diện đúng tình hình, trọng tâm, bản chất sự việc để có quyết sách phù hợp; chủ động rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong quản lý, điều hành, hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu trung, dài hạn.
Ba là, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng quốc gia hùng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Bốn là, tích cực đổi mới phương thức làm việc, thực sự lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời biểu dương khen thưởng sự tận tụy cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý nghiêm các vi phạm.
Năm là, xác định rõ các động lực tăng trưởng, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng ngành, từng địa phương; thúc đẩy liên kết vùng; phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo mạnh mẽ của con người Việt Nam trong phát triển nền kinh tế số; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại.