Về công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương góp ý ngắn gọn về những mặt tích cực đạt được, góp ý các nội dung cần bổ sung thêm để khẳng định, phát huy làm tốt hơn nữa, đồng thời chỉ rõ mặt tồn tại, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó đề ra các biện pháp khắc phục.
Thứ hai, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2015 và nhìn lại 5 năm, trên cơ sở nhìn lại quản lý điều hành của Chính phủ, trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp để thực hiện, gồm các nhiệm vụ chủ yếu, 9 nhóm giải pháp lớn. Thủ tướng đề nghị các địa phương góp ý vấn đề này, sau khi Chính phủ sẽ tiếp thu, ban hành nghị quyết để triển khai ngay từ đầu năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
"Chúng ta phải làm sao đưa ra dự thảo nghị quyết cho sát đúng, từ mục tiêu cho tới chỉ tiêu, giải pháp xuất phát từ tình hình thực tế. Chúng ta dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế 2016 tăng 6,7% trên cơ sở dự báo năm nay là 6,5%. Nhưng thực tế năm nay, với sự phấn đấu nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã tăng 6,68% rồi, chúng ta có giữ 6,7 không hay phấn đấu cao hơn? Nếu đặt 6,7 nhẹ nhàng quá có phải không?", Thủ tướng băn khoăn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta bám sát nghị quyết để đề ra chỉ tiêu phấn đấu, từ đó mới tính toán giải pháp.
"Tài liệu chuyên sâu về từng lĩnh vực, chúng tôi đã gửi đến từng đồng chí, 7 báo cáo chuyên sâu, các đồng chí gắn vào góp ý phát triển kinh tế xã hội, như phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết 19, thực hiện Nghị quyết 36 của Chính phủ, thực hiện triển khai Luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, Nghị quyết 59, tái cơ cấu DNNN năm 2015...Để có dự thảo nghị quyết sát đúng như tôi trình bày, rất mong các đồng chí góp ý thẳng, sau đó các bộ có phát biểu thêm về nhiệm vụ, giải pháp cũng như giải trình mà các địa phương đề ra", Thủ tướng yêu cầu.