- Lãnh đạo TP.HCM, Hà Nội cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để giấy phép con cản trở sản xuất kinh doanh
- Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Chủ quán cà phê "thua" sẽ là thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh
Các bộ trưởng đã lên tiếng
Câu hỏi “mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khiến các bộ trưởng không thể không lên tiếng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát hứa sẽ báo cáo cụ thể giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để đầu tư vào nông nghiệp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về liều lượng thay đổi và thời điểm thực hiện việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN). |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đã thấy sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và sẵn sàng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền sửa đổi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, ngay trong phiên họp này, Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển với những đầu việc cụ thể đã được các thành viên Chính phủ hoàn tất sau khi đã có ý kiến ngay trong buổi chiều 29/4, sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 kết thúc.
Trong đó, có 3 nhóm giải pháp chính, đó là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Mọi công việc đã đặt lên bàn với quyết tâm chính trị từ người lãnh đạo cao nhất, song doanh nghiệp vẫn chưa thực sự yên tâm. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn phải thừa nhận, trong cơ chế một cửa, Bộ trưởng, Thứ trưởng rất quyết liệt, Vụ trưởng, Cục trưởng cũng quyết liệt, nhưng tới chuyên viên thì chưa chắc.
Doanh nghiệp chờ hành động
Bức xúc về việc 5 m vải mẫu nhưng phải kiểm tra quá nhiều mà ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam buộc phải đăng đàn trực tiếp báo cáo Thủ tướng trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 không phải là chuyện mới mẻ ngay cả với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương.
Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chuyển tải rất rõ thông điệp “đang thực hiện các giải pháp này theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”, nhưng phải nhắc lại, ngay trước thời điểm Thông tư 37/2015/TT-CT của Bộ Công thương về kiểm tra hàm lượng forrmaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may có hiệu lực (15/12/2015), Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã lên tiếng đề nghị xem xét lại vì “nhiều quy định của Thông tư 37 chưa rõ ràng và có xu hướng tăng thêm đối tượng, tăng thủ tục cho doanh nghiệp”.
Cũng phải nhắc thêm, Thông tư 37 ra đời để chỉnh sửa những bất hợp lý của Thông tư 32/2009/TT-BCT về cùng nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Đây chính là ví dụ điển hình mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) buộc phải sử dụng để minh chứng cho những khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 19. “Khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo và ban hành đã không căn cứ Nghị quyết 19, mà lại căn cứ vào những văn bản mà Nghị quyết 19 đã yêu cầu bổ sung. Rõ ràng, ở đây có vấn đề về thực thi, tư duy thực thi”, ông Nguyễn Đình Cung thể hiện quan điểm khi đề nghị đình chỉ hiệu lực của Thông tư 37 vào thời điểm đó.
Tư duy thực thi đang được ông Cung và các doanh nghiệp nhắc lại vào thời điểm này, khi hơn 6.000 điều kiện kinh doanh đang được rà soát để kịp hoàn tất phương án giải quyết, trình Chính phủ ban hành trước tháng 7 tới. Theo ông Cung, nếu không thay đổi cách làm cũ, việc “nâng cấp cơ học” các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định sẽ không thể tạo nên môi trường kinh doanh dung dưỡng doanh nghiệp - như Thủ tướng đã cam kết.