Thời sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp nói không với hối lộ
Hà Nguyễn - 18/11/2017 16:13
Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ, với các chi phí không chính thức. Đây cũng là một yếu tố để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 18/11 ngay từ đầu đã sôi nổi với rất nhiều câu hỏi “nóng” được các đại biểu Quốc hội đặt ra.

Ngay sau phần giải trình các nội dung mà các đại biểu Quốc hội đặt ra tại các phiên chất vấn trước, liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng đã nhận được 47 câu hỏi chất vấn từ các đại biểu Quốc hội.

.

Đây là lần đầu tiên, tại nghị trường Quốc hội, phiên chất vấn Thủ tướng kéo dài trong cả một buổi chiều và nhận được nhiều câu hỏi như vậy.

Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu Tô Văn Tám đã đặt câu hỏi với Thủ tướng về các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tư Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng khẳng định, có nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, giải pháp về đầu tư, kinh doanh là rất cần thiết.

“Phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế có ổn định thì doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước mới có thể phát triển được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho biết, để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, phải tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tài sản và bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng.

“Tôi rất vui mừng khi năm qua và năm nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới rất nhiều, 93% trong số đó đã đi vào hoạt động và có doanh thu”, Thủ tướng hồ hởi nói.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển, phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kể cả phí, lệ phí, nhất là chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo, như Chỉ thị 20 của Chính phủ…

“Nhân đây, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp nói không với hối lộ, nói không với chi phí không chính thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ, chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cho sự hợp tác giữa khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài, cũng như tạo điều kiện để hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bày tỏ rằng, bản thân các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải phát triển văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, đừng để sớm rời thị trường.

“Phát triển kinh tế tư nhân là mong mỏi của Trung ương, Chính phủ cũng đã có chương trình hành động để hỗ trợ sự phát triển của khu vực này”, Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu.

Tiếp tục chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đặt câu hỏi về nội hàm của Chính phủ kiến tạo.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là Chính phủ chủ động thiết kế chính sách để đất nước ta phát triển. Cụ thể, Nhà nước không làm thay thị trường, mà chỉ thiết kế môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng trong nhóm đầu ở khu vực ASEAN mà phải là đứng đầu trong OECD.

“Chính phủ phải làm sao phục vụ người dân tốt nhất và là một Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, đồng thời xây dựng Chính phủ điện tử để mang lại lợi ích cho người dân. Nội hàm của Chính phủ kiến tạo có rất nhiều, nhưng tôi xin nhấn mạnh như vậy”, Thủ tướng nói và cũng cho rằng, phải thay ngay những cán bộ còn nhũng nhiễu dân, không đáp ứng được yêu cầu, bởi bắt người dân phải chờ đợi thì “kiến tạo cái gì”.

Việc Chính phủ chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước trong thời gian qua. Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động cũng chính là một điều kiện quan trọng để khu vực tư nhân trong nước có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Tin liên quan
Tin khác