Thời sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quảng Ngãi phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch
Hà Minh - Anh Trung - 10/08/2016 07:39
Chiều tối 9/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh Quảng Ngãi về các vấn đề kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và việc triển khai một số dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, GTVT, NN&PTNT, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ...

Tỉnh công nghiệp nhưng thực chất vẫn là nông nghiệp

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, là tỉnh công nghiệp nhưng phần lớn nguồn thu của Quảng Ngãi từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu NMLD “khỏe” thì Quảng Ngãi khỏe, nếu “hắt hơi sổ mũi” thì Quảng Ngãi cũng sẽ “ốm” theo. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có 6 huyện thuộc diện 30a, các hộ nghèo còn cao (82.000 hộ, chiếm 22% dân số). Trong khi đó, kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Hạ tầng kết nối với Quảng Ngãi – Quảng Nam sắp tới có đường cao tốc. Nhưng trong nội tỉnh còn rất yếu, đặc biệt tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh còn rời rạc, đầu tư nhỏ giọt, manh mún. 

Về phát triển du lịch, dịch vụ, dù có tiềm năng, nhưng trong những năm vừa qua, do kết nối hạ tầng khó khăn (đường hàng không, đường bộ) nên tỉnh chưa khai thác, phát triển được tiềm năng du lịch.

Bên cạnh đó, lâu nay hạ tầng Lý Sơn quá yếu kém, mới đây mới được Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định 1995/QĐ-TTg ban hành cơ chế đặc thù để bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Vì hạn chế hạ tầng nên hiện Quảng Ngãi không dám quảng bá, xúc tiến du lịch cho Lý Sơn nữa vì lo ngại quá tải, phát triển nóng, nguy cơ vỡ quy hoạch, cảnh quan Lý Sơn.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Quảng Ngãi xác định 5 năm tới tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới”

Góp ý với lãnh đạo Quảng Ngãi, đại diện các Bộ, ngành nhận định, mặc dù có nhiều KKT, Khu CN hoạt động trên địa bàn nhưng xét về bản chất, Quảng Ngãi vẫn là địa phương có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.  

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu nói về tỉ trọng, cơ cấu kinh tế thì hiện nay công nghiệp của Quảng Ngãi chiếm khoảng 62%, dịch vụ còn 23% và nông nghiệp còn 15%.

Kể cả về tỉ trọng giá trị cũng như thu ngân sách thì Quảng Ngãi được coi là tỉnh công nghiệp nhưng bản chất của Quảng Ngãi vẫn là nông nghiệp. Định hướng của tỉnh là phát triển công ngiệp, nhưng trước mắt Quảng Ngãi vẫn phải tập trung phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, số dân khu vực nông thôn còn lớn, tạo việc làm là vấn đề quan trọng, xóa đói giảm nghèo là cần thiết.

Do vậy, Quảng Ngãi xác định 5 năm tới tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp. Đó là định hướng lâu dài.

Với đảo Lý Sơn, trong kế hoạch trung hạn, Bộ KH-ĐT đã bố trí 1.380 tỉ đồng bằng 3 chương trình: phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng an ninh của Lý Sơn là 340 tỉ đồng; phát triển thủy sản bền vững 300 tỉ đồng; Chương trình biển đông hải đảo là 740 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi phải sử dụng hiệu quả nguồn này để triển khai và thu hút các dự án theo Quyết định 1995/QĐ-TTg về cơ chế đặc thù cho Lý Sơn.

Phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch

Ghi nhận các ý kiến của Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Quảng Ngãi trong định hướng phát triển phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, đặc biệt quy hoạch các huyện ven biển và quy hoạch đảo Lý Sơn, tránh tình trạng chưa phát triển đã lộn xộn rồi, sau này không còn đất để phát triển.

“Lý Sơn đang có mật độ dân số quá dày, 10km mà có tới hơn 2 vạn dân. Mai đây có nhà đầu tư xây khách sạn 4 sao, cần diện tích đất lớn thì dân cư sống sao? Trong đầu tư, đầu tư cái gì phục vụ cho dân tốt nhất, giải quyết đời sống cho dân thì phải làm trước. Tuy tỉnh còn khó khăn nhưng vẫn xã hội hóa nguồn lực đầu tư, các hình thức đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Quảng Ngãi trong định hướng phát triển phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch”

Quảng Ngãi đang có các KKT lớn như Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị dịch vụ VSIP, nhiều KCN, phát triển công nghiệp phụ trợ, cần tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến, đổi mới mạnh mẽ hơn.

"Tinh thần là làm đâu trúng đó, hiệu quả cho người dân, hiệu quả từng đồng vốn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với đảo Lý Sơn, Thủ tướng đồng ý với phân bổ vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các danh mục dự án đầu tư. Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý Quảng Ngãi chống xói lở cho Lý Sơn; thứ 2 là nước sạch cho dân; hoàn thành âu thuyền tránh bão lớn nhất miền Trung...

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương từ nguồn thu NMLD Dung Quất để đầu tư hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội 2016-2020. Quảng Ngãi cần ưu tiên sắp xếp danh mục dự án đầu tư công giai đoạn này để có sự quan tâm của Trung ương.

Về Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Thủ tướng giao Bộ GT-VT báo cáo Thủ tướng chậm nhất trong quý IV kết quả đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai đến năm 2020, có tính dài hơi hơn theo Quyết định 21/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng chỉ đạo 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi phải ngồi lại bàn với nhau vấn đề này trên tinh thần mở cửa bầu trời, đa dạng hóa đầu tư, kể cả phát chuyển nhanh quốc tế và các dịch vụ có nhu cầu khác phù hợp với ngành hàng không. 

Tin liên quan
Tin khác