Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian vừa qua |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc, khẳng định, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM là sự kiện chính trị quan trọng mang tính quyết định với tầm nhìn phát triển của thành phố mang tên Bác – đầu tàu kinh tế của cả nước.
“Trong 5 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó TP.HCM là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nhất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn nội tại, thách thức, nhất là thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn. Trong bối cảnh đó, nhờ sự quyết liệt của hệ thống chính trị, các cấp các ngành doanh nghiệp và người dân cả nước, nước ta đã đạt được nhiêu thành tựu quan trọng với nhiều dấu ấn.
“Như Tổng Bí thư, Chủ nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá tại hội nghị Trung ương 13, Việt Nam đã có 4 năm liên tục luôn hoàn thành hoặc vượt mức các chỉ tiêu đề ra”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nhưng Việt Nam thành công bước đầu trong công cuộc chống dịch, hồi phục kinh tế, và được thế giới được đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Đại hội |
“Việt Nam là 1 trong số 16 nền kinh tế mới nổi, kinh tế ổn định, lạm phát kiểm soát, xuất siêu trên 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục”, Thủ tướng nói và khẳng định, năm 2020 như vậy cũng là năm thành công đối với Việt Nam khi đạt những kết quả tích cực hơn các năm trước.
Riêng với TP.HCM, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Thành phố đạt được trong giai đoạn 2015 – 2020. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá nhanh, bình quân 2016 – 2019 đạt 7,2%/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước, quy mô kinh tế thành phố giờ đây lớn hơn Việt Nam (giai đoạn từ trước năm 2005), thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực.
Đồng thời, khoa học công nghệ có sự đóng góp tốt, TP.HCM đi đầu triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, chú trọng quy hoạch, chỉnh trang phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%,…
"Những kết quả đạt được 2015 - 2020 rất quan trọng, tiếp nối truyền thông tốt đẹp các nhiệm kỳ trước, trong đó nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo thành phố góp phần cùng cả nước thực hiện thành công nghị quyết 12 của Đảng, đóng góp quan trọng có ý nghĩa lịch sử thay đổi diện mạo của đất nước. Đây là nền tảng vững chắc để thành phố bước vào thời kỳ phát triển mới", ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế của Thành phố. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, mức độ tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần; Động lực mới tăng trưởng của thành phố chưa rõ nét; Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, quy hoạch quản lý đô thị chưa theo kịp phát triển, hội nhập quốc tế, khoa học quốc tế chưa thực sự trở thành đông lực phát triển, cùng với đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn hạn chế.
“TP.HCM cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ, đi đầu trong các lĩnh vực mới, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, phát triển nhanh các lĩnh vực có tiềm năng, giá trị gia tăng, công nghiệp hiện đại, tài chính, ngân hàng,… Đồng thời, cần đi đầu hệ sinh thái khởi nghiệp, giữ vững vai trò trung tâm, đây mạnh cổ phần hóa, phát triển kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc các dự án FDI giá trị gia tăng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, TP.HCM cần sớm có bài toán để tháo gỡ các điểm nghẽn, nguồn lực từ đất đai, xã hội,… để phát triển đúng hướng. “Thành phố không thiếu nguồn lực, giờ cần những chính sách phù hợp" để bứt phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, cùng với cả nước, TP.HCM cần sớm có lời giải cho bài toán tháo gỡ các điểm nghẽn, các nút thắt để các nguồn lực rất lớn từ đất đai, từ xã hội, trong dân, từ các thành phần kinh tế và từ bên ngoài được giải phóng, bung ra, phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Trong đó cần đặc biệt chú trọng phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các cơ quan trong nội bộ Thành phố và giữa Thành phố với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố.
"Chúng ta kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, 'quyền anh, quyền tôi', 'trên nóng, dưới lạnh' tiếp diễn”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác và xử lý công việc, có các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Đổi mới quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, quản trị địa phương, nhất là những đô thị lớn như TP.HCM đang là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan mô hình Đô thị thông minh |
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM khoá XI khai mạc sáng 15/10 và sẽ kéo dài 4 ngày, bàn nhiều chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đô thị lớn nhất nước trong 5 năm tới. Trong đó, ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm được xem là 4 nội dung lớn để TP HCM phát triển nhanh hơn.
Cụ thể, về đổi mới quản lý, TP HCM sẽ chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị chính sách quản lý Thành phố phù hợp đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp nhu cầu và phát huy các nguồn lực, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của Thành phố và cả nước.
Với mục tiêu này, Thành phố đã xây dựng 12 đề án và hai chương trình hành động gồm: điều chỉnh tỷ lệ ngân sách; chính quyền đô thị, lập thành phố Thủ Đức; chuyển một số huyện thành quận; thành phố thông minh; chuyển đổi số; quản lý đất đai; hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo...
Thành phố cũng đề ra mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.
Để thực hiện mục tiêu này, TP HCM đưa ra 9 đề án và 3 chương trình hành động để thực hiện gồm: phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030; phát triển ngành logistics; chống ngập và xử lý nước thải; quy hoạch xử lý chất thải rắn; phát triển hạ tầng dịch vụ; phát triển nhà ở...
Về nhân lực và văn hoá, thành phố muốn tạo sự đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực (công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị); khuyến khích đại học chia sẻ, giáo dục thông minh, tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến thế giới.