Buổi làm việc nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của thành phố rất thấp, chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, gây bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn chính quyền thành phố dù đã được dự báo tình hình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bênh cạnh đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm.
Đặc biệt, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%) và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ. Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp khi chỉ đạt 4%; tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu…
Do đó, trong buổi làm việc này, dự kiến Thành phố sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng loạt vấn đề để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Thành phố trình bày mong muốn, có cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai một số dự án; cùng đó là những tháo gỡ để phát huy vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ.
Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu đã có buổi khảo sát, đi thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên vào chiều 15/4. Ảnh: Lê Toàn |
Phát biểu định hướng buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, TP.HCM có vai trò, vị trí quan trọng với cả nước trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Do đó, Chính phủ ở nhiệm kì này đã nhiều lần làm việc với Thành phố. Lần gần nhất là hồi tháng 11/2022 về nội dung liên quan đến công tác giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng cũng điểm qua tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp kinh tế trong nước, trong đó có TP.HCM. Trong nước, suốt thời gian dài phải gồng mình chống dịch, kinh tế dần suy yếu. Sau khi tập trung vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế lại chịu sự biến động trong thị trường bất động sản, biến động trong thị trường lao động và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực...
“Đây là hậu quả không phải ngày một ngày hai là giải quyết được. Từ tình hình như vậy, chúng ta cần nhiệm vụ, giải pháp thế nào cho phù hợp, chắc chắn, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Chúng ta cần tìm ra lời giải theo phương châm như vậy”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt câu hỏi, vừa qua, nhiều chính sách được ban hành đã tác động thế nào đến TP.HCM?. Trong tháng 3, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, nghị quyết, nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
“Những chính sách của Chính phủ đã vào Thành phố được chưa, vào đến mức độ nào rồi, có hiệu quả không thì phải xem xét. Chính sách đã đi vào cuộc sống chưa, quá trình thực hiện có vướng mắc gì; sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ ngành cần rút kinh nghiệm cái gì, thúc đẩy cái gì”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Thủ tướng cũng yêu cầu các đại biểu tham gia buổi làm việc làm rõ, sự phối hợp giữa Thành phố với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần rút kinh nghiệm gì, thúc đẩy gì, điều chỉnh gì để mọi việc tốt hơn.
"TP.HCM là đầu tàu nền kinh tế của đất nước trên cả đóng góp GDP và thu ngân sách. Đó là những thứ hữu hình, ngoài ra còn nhiều thứ vô hình khác ảnh hưởng, tác động rất lớn đến cả nước. Thành phố phát triển tốt thì cả nước được tác động lan tỏa, Thành phố khó khăn thì cả nước cũng khó khăn do bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ sẽ có kết luận để Thành phố thực hiện. Nếu trong quý II vẫn còn vướng mắc những nội dung cũ, Thủ tướng cho biết sẽ phải làm việc tiếp cùng nhau để tiếp tục tháo gỡ.
Buổi làm việc do Thủ tướng chủ trì nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết, trong quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương ở mức rất thấp, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Các doanh nghiệp cũng tiếp tục cắt giảm lao động và gặp khó về đơn hàng, nguồn vốn, sức mua người tiêu dùng giảm.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vẫn ở mức độ thấp. Tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Tội phạm về kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng.
Lãnh đạo Thành phố thẳng thắn nhìn nhận, chuyển động của các cấp chính quyền còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, thiếu tính chủ động, sáng tạo, thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ.
Dự báo trong quý II, kinh tế Thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó lường. Trong đó, thị trường bất động sản, tài chính, lao động tiếp tục gặp nhiều vấn đề. Thành phố cũng tiếp tục đối mặt với sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng, sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất thu hẹp.
Tại buổi đi thử nghiệm metro, Thủ tướng bày tỏ sự hài lòng và đề nghị chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại, cố gắng hoàn tất công trình vào dịp lễ 2/9 năm nay.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng đến thăm dự án tuyến đường sắt đô thị số 1. Tháng 7/2022, Thủ tướng đã có chuyến thị sát nhà ga trung tâm Bến Thành và ga Ba Son. Đoàn công tác của Thủ tướng cũng đến thị sát công trường xây dựng nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức.
Cũng trong chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cơ sở 2.