Thời sự
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng
Trúc Giang - 28/04/2022 07:57
Tối ngày 27/4, tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố TP. Sóc Trăng là đô thị loại II.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 68,30%, công nghiệp, xây dựng chiếm 9,68%, dịch vụ chiếm 22,02% và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… Sóc Trăng trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển.

Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP - tính theo giá hiện hành) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; đứng hàng thứ 11 về quy mô kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chiếm tỷ trọng 0,68% so với cả nước; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 44,78% (giảm 23,52%); công nghiệp, xây dựng chiếm 15,11% (tăng 5,43%); dịch vụ chiếm 40,11% (tăng 18,09%).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.952 tỷ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 19,14%.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phát triển mạnh so với thời kỳ đầu khi tái lập tỉnh. Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng hóa năm 2021 là 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 14,56%. Tính đến năm 2021, sản phẩm của Sóc Trăng đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định TP. Sóc Trăng là đô thị loại II thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Lĩnh vực giao thông vận tải luôn được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển nhằm góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác tăng trưởng. Đến nay, đường ô tô được đầu tư đến trung tâm các xã, phường, thị trấn đạt 100% (109/109 xã, phường, thị trấn). Đường giao thông nông thôn được các địa phương huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng trên 3.580 km, nối liền hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường tỉnh, Quốc lộ, cảng, bến, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) và đang lập thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc huyện Trần Đề).

Về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trong các năm qua, Sóc Trăng luôn xác định thu hút, kêu gọi đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tìm kiếm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh là thủy sản và nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn từ 2007 đến 31/12/2021, tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư hơn 1.000 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư; đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 310 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 100.696,9 tỷ đồng.

Về phát triển doanh nghiệp, nếu như năm 1992 sau khi tái lập tỉnh, Sóc Trăng có chỉ có 35 doanh nghiệp với vốn điều lệ đăng ký là 8,229 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 3.821 doanh nghiệp, với vốn đăng ký khoảng 50.000 tỷ đồng.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Sóc Trăng năm 2021 (theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-01-2021 của Chính phủ), toàn tỉnh có 22.120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,64%. So với thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 36,7%.

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng định hướng phát triển đến năm 2025 là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu: Tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8,0%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng; đồng thời, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng cho rằng, tự hào về thành quả đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển, Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Sóc Trăng bứt phá đi lên”, Thủ tướng bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác