Quốc hội nghe Thủ tướng báo cáo trước khi chất vấn trực tiếp. |
Sáng 8/11, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
Công suất lớn hơn nhu cầu, nhưng vẫn thiếu điện cục bộ
Đề cập vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, Thủ tướng nói, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo; tuy nhiên trong năm nay, đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
“Mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70.000 MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000 MW; nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối; trong đó việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài; công tác điều độ điện lực có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng miền chưa hợp lý…, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, bao gồm: khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc. Sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu.
Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu giải pháp.
Phiên chất vấn sáng 8/11 của Quốc hội. |
Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Về đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập, như các vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở; trong đó cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới ; thị trường khoa học công nghệ (KHCN) còn bất cập; chưa có nhiều sản phẩm thành công; các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều…
Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đầu tư từ NSNN, đầu tư của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và KHCN còn dàn trải, kém hiệu quả ; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng ; công tác quản lý nhà nước còn bất cập…
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước.
Ưu tiên bố trí nguồn lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi (như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn , chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và KHCN.
Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển KHCN.
Phát triển mạnh thị trường KHCN hiệu quả, hội nhập và bền vững; khẩn trương hình thành các sàn giao dịch công nghệ; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KHCN.
Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)…Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch của năm nay cũng là nội dung được lãnh đạo Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
Ông nói, dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); (2) GDP bình quân đầu người; (3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; (5) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan được đại biểu quan tâm. Ảnh Duy Linh. |
Theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế , tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5%, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).
Thời gian tới, Thủ tướng nêu, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, như tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu.
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo Chính phủ đề cập là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng kinh tế - xã hội, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.
Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả..., Thủ tướng nêu rõ.