Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Dự trữ ngoại hối cao khiến nhiều người bất ngờ
Đánh giá cao đóng góp của ngành ngân hàng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm qua, chính sách tiền tệ đã thể hiện được sự chỉ đạo, điều hành nhất quán, năng động, bản lĩnh, đồng bộ. Đặc biệt, về lạm phát, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhất.
Trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh, NHNN đã thực hiện tốt cung tiền, kiểm soát lạm phát thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Đặc biệt, không những giữ được tỷ giá ổn định, NHNN còn mua vào lượng dự trữ ngoại hối cao kỉ lục từ trước đến nay: 20 tỷ USD riêng năm 2019, nâng tổng dự trữ ngoại hối quốc gia lên xấp xỉ 80 tỷ USD. Con số này nhiều người không ngờ tới, tăng gấp 2,5 lần con số đầu nhiệm kỳ, gấp 6 lần năm 2011. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc , Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia đều giảm lượng dự trữ ngoại tệ.
Không chỉ dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, Thủ tướng cũng biểu dương NHNN quản lý ngoại hối hiệu quả. Cụ thể, số ngoại hối dự trữ này được NHNN gửi các tổ chức tín dụng quốc tế lấy lãi, riêng tiền lãi đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
“Người ta không ngờ Ngân hàng Nhà nước mà làm ra tiền lớn như thế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một thành công nữa của NHNN, theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là năm 2019, dù đã mua vào tới 20 tỷ USD (khoảng nửa triệu tỷ đồng) song lạm phát không tăng lên. Điều này nói lên sự khéo léo điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Tín dụng BT, BOT: Phải thảo luận để hai bên cùng thắng
Phát biểu chỉ đạo sáng nay tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, Thủ tướng đặc biệt lưu ý vấn đề lãi suất, tín dụng.
Về lãi suất, Thủ tướng cho rằng, lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao so với một số nước, song do lãi suất đầu vào cao nên không thể giảm ngay được. Trong năm 2019, các ngân hàng thương mại, cụ thể là Vietcombank, Vietinbank và các ngân hàng khác đều đã giảm lãi suất, tạo điều kiện phát triển kinh tế.
“Chúng ta huy động lãi suất cao thì chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay được nhưng cần phải tính toán để giảm chi phí kinh doanh vì phần lớn sản xuất kinh doanh vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng là chính”, Thủ tướng lưu ý.
Trong năm 2019, Thủ tướng đã đích thân chỉ đạo Thống đốc NHNN, qua đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong năm 2019, nhiều ngân hàng thương mại đã 3 lần giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên. Hiện trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ 6%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Bên cạnh lãi suất, Thủ tướng cũng biểu dương nỗ lực của các ngân hàng, đặc biệt là Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội trong cuộc chiến chống tín dụng đen
Về tín dụng, năm 2019, các ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế 8,2 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh xuất phát điểm của tầng lớp nhân dân còn thấp, Thủ tướng cho rằng, con số trên là không nhỏ, cho thấy sự đóng góp của ngành ngân hàng. Thủ tướng muốn lưu ý, sự phối hợp của NHNN với các bộ, ngành trong điều hành vĩ mô, tài khoá vừa đảm bảo lạm phát ở mức thấp và đảm bảo nguồn cung tín dụng, tăng trưởng của nền kinh tế với mặt bằng lãi suất thấp.
Vấn đề tín dụng với các lĩnh vực được coi là rủi ro như giao thông cũng được Thủ tướng nhắc tới. “Tôi lưu ý là tín dụng cho BOT, BT, GTVT không phải siết chặt lại mà thảo luận hai bên cùng giải quyết. Tín dụng cho các nhà đầu tư BT, BOT, đừng cái gì cũng nói siết lại mà hai bên phải cùng mở ra, hai bên cũng thắng mới là quan trọng”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về mức tăng trưởng tín dụng chung của năm 2020, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước tính toán để đưa ra con số phù hợp, bởi đây là kênh vốn quan trọng của nền kinh tế.
Đảm bảo an ninh hệ thống, an toàn người gửi tiền
Bên cạnh biểu dương những thành tích đạt được của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo ngành ngân hàng chấn chỉnh thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hệ thống.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũngc ảnh báo, thời đại kinh tế số cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng. Thực tế, tội phạm trong ngành ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới và khu vực. Hoạt động ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi phức tạp như gian lận, lừa đảo, tấn công mạng để lộ nhiều thông tin khiến mất tiền trong tài khoản, ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Do đó, ngành ngân hàng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ tài sản là tiền gửi của người dân, đảm bảo niềm tin của người gửi tiền.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, năm 2020 ngành ngân hàng phải đẩy nhanh chuyển đổi thẻ sang thẻ chip để đảm bảo an ninh ngân hàng. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công an điều tra xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao trong ngành ngân hàng.