Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. |
Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ muốn đưa ra tại hội nghị lần này đó là: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo thông tin từ ban tổ chức, hội nghị được thực hiện vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Tại điểm cầu Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Ngoài ra, mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.
Từ sáng sớm, các doanh nghiệp đã đến rất đông, làm thủ tục vào dự hội nghị. Ảnh: Công Quang |
Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.
Theo chương trình nghị sự, buổi chiều nay, Thủ tướng và các lãnh đạo bộ ngành, địa phương sẽ có cuộc họp để bàn bạc, giải quyết tiếp những vấn đề còn tồn tại được nêu tại hội nghị sáng nay.
Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp coi Hội nghị với Thủ tướng là một “hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Muốn đổi mới, phải bỏ cái cũ !
Phát biểu khai mạc hội nghị tại Hội trường Thống nhất, Thủ tướng đặt vấn đề: “Ai xây dựng đất nước? Chính là toàn quân, toàn dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đi đầu, tiên phong vẫn là cộng đồng doanh nghiệp”. Theo đó, doanh nghiệp là người giải quyết việc làm cho người lao động, là những “tế bào” để tạo GDP. Do đó, Nhà nước cần phải lắng nghe doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển.
Thủ tướng cho rằng, trong 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tích phát triển kinh tế xã hội, nhưng vẫn còn đó có những rào cản, mà nhẽ ra nếu không có những rào cản đó thì kinh tế đã phát triển nhanh hơn, tốt hơn.
Các doanh nghiệp rất chờ đợi ở những quyết tâm cải cách của Thủ tướng Chính phủ |
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tuy Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tháo gỡ, nhưng thực tế vẫn chưa được nhiều, vẫn còn những rào cản lớn với doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng cho biết, cuộc gặp lần này, là để lắng nghe, cùng tháo gỡ với doanh nghiệp để phát triển đất nước. “Cuộc gặp lần này phải thực chất, có ích cho tổ quốc và doanh nghiệp. Tránh bệnh hình thức, gặp là phải lắng nghe và thực hiện” – Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, sau khi nghe vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp thì các lãnh đạo bộ ngành phải phát biểu rõ ràng về việc tháo gỡ, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
“Muốn đổi mới thì phải bỏ cái cũ, cái lạc hậu để đưa nền kinh tế phát triển” – Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng, trong tháo gỡ rào cản, tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng phải sản xuất, kinh doanh trên tinh thần liêm chính, cân đối lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng, nhất là bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu các lãnh đạo Chính phủ trên trên tinh thần của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư mới, không thể “quyền anh, quyền tôi” mà phải tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Kết quả hội nghị phải tạo niềm tin của doanh nghiệp, niềm tin của người dân vào doanh nghiệp, từ đó, người dân, doanh nghiệp mới hăng hái bắt tay vào sản xuất kinh doanh một cách tích cực hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn. Hội nghị sẽ khởi đầu giai đoạn mới trong đối thoại về thông tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, nhất quán; mở rộng mô hình này trên khắp toàn quốc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch VCCI: Không thể để xảy ra các vụ "Xin chào" nữa
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, Việt Nam có 941.000 doanh nghiệp đã được đăng ký thành lập.
Theo ông Lộc, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), tuy nhiên, song song với đó cũng có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
"Dẫu biết rằng các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước" - Chủ tịch VCCI nêu thực trạng.
Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc nhất là rủi ro về chi phí thủ tục hành chính. Ông Lộc đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Riêng các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.
Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, ông Lộc cho rằng, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ. Ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của luật doanh nghiệp, luật đầu tư, không cho phép các bộ bàn lùi.
"Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó"- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, liên quan đến chi phí vốn, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Ông Lộc tính toán, như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (lãi suất thực của Philippine là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm).
Chủ tịch VCCI chỉ ra thực trạng: Các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Rõ ràng là nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý. Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.
Ngoài ra, một nhóm chi phí quan trọng khác cũng cần được xem xét cải cách theo hướng cắt giảm là thuế và phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
"Mặc dù ngân sách hiện nay đang khó khăn, nhưng chủ yếu là do chi thường xuyên tăng mạnh chứ không phải do mức thu thuế thấp. Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực" - ông Lộc khẳng định.
Theo đề nghị của Chủ tịch VCCI, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
Muốn vậy phải tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và doanh nghiệp.
Ông Lộc cho rằng, có như vậy mới không lặp lại vụ việc không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền như trường hợp quán cà phê Xin Chào mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp.
"Tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, doanh nghiệp phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật" - ông Lộc đề nghị.
Sau phần phát biểu của ông Lộc, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Việt Nam đứng lên đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và sớm hoàn thiện luật về hội để các hiệp hội có chỗ dựa pháp lý vững chắc; thành lập chương trình khởi nghiệp quốc gia do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu
“Chính phủ cần khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ cho DNNVV vay; tạo kênh phân phối bản lẻ nội địa; tạo cơ chế phát triển các cụm khu công nghiệp có đầy đủ hạ tầng cho DNNVV thuê; đẩy mạnh cải cách hành chính trực tuyến để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, đại diện khối DNVVN kiến nghị.
Được mời phát biểu, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (HHDNHK) cho biết, hiệp hội này đánh giá cao việc Chính phủ đã duy trì hoạt động đối thoại với cộng đồng DN qua diễn đàn VBF cũng như tạo điều kiện cho các DN góp ý vào quá trình sửa đổi pháp luật, cải cách đất nước. Ngoài ra, HHDNHK cũng đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập TPP và kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua Hiệp định này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng, Việt Nam cần giảm tối đa việc giao dịch tiền mặt, hạn chế gặp mặt trực tiếp giữa đại diện nhà nước và DN, từ đó mới giảm thiểu được nguy cơ tham nhũng. "Bên cạnh đó, Việt Nam cần hoàn thiện và tiếp cận chuẩn mực kế toán quốc tế. Chính phủ cần có những chính sách tạo điều kiện để DN nâng cao năng suất lao động, giảm thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho DN, đưa kinh tế tư nhân khởi sắc", đại diện HHDNHK nêu.
Ông Trần Bắc Hà: "Hãy điều hành nền kinh tế như bản giao hưởng"
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam nói: "Tôi cho rằng cơ chế chính sách thì phải đạt thông lệ chuẩn mực quốc tế, đáp ứng các FTA. Chúng ta có khoảng trống về pháp lý nên gây khó khăn cho DN".
"Tôi kiến nghị dưới luật chỉ có 1 nghị định, không có thông tư. Xử lý mạnh mẽ những cán bộ nhũng nhiễu. Việc thực thi luật phá sản cần thúc đẩy mạnh mẽ để lành mạnh thị trường", ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Bắc Hà, hiện nay, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh quan trọng tăng trưởng kinh tế nên điều chỉnh dự trữ thanh khoản, dự trữ bắt buộc ở 1% với VND và 3% ngoại tệ. " Tôi đề nghị điều chỉnh giảm tỉ lệ phát hành trái phiếu chính phủ là 10%. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn; sửa đổi thông tư 36 cần có lộ trình", ông Hà đề xuất.
"BIDV cam kết tiết giảm lãi suất cho vay tối đa trung và dài hạn không quá 10% bắt đầu ngay từ hôm nay. Xin đề nghị phát triển cân bằng, đa dạng thị trường tài chính. Về xử lý nợ xấu, doanh nghiệp chờ hơn 3 năm mà không có hướng dẫn tạo lập nợ", ông Bắc Hà nói và bên dưới, các DN vỗ tay râm ran.
"Tôi rất mong muốn điều hành kinh tế đất nước như bản nhạc giao hưởng, Thủ tướng là nhạc trưởng, cơ quan chức năng là nhạc công và doanh nghiệp chúng tôi là ca sĩ. Chúng ta làm sao có bản nhạc hay và phối hợp nhịp nhàng", ông Trần Bắc Hà kết lại bài phát biểu.