Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hôm nay (29/9), ông đã ký văn bản Thông báo ý kiến của Thủ tướng là yêu cầu Bộ Y tế trước 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá.
| ||
Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (Ảnh minh họa) |
Theo quy định của Luật Giá, sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Tuy nhiên, các thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống (tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi).
“Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay một danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị làm giá”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói và cho biết, thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc.
“Tôi có trực tiếp hỏi Bộ trưởng Y tế là liệu gấp như vậy, đến ngày 5/10 thì có làm được không, Bộ trưởng Bộ Y tế nói là sẽ làm được. Còn chuyện xử lý như thế nào, các cơ quan chức năng sẽ làm”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013.
Liên quan đến vấn đề giá sữa, thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc các sản phẩm sữa cho trẻ em đã được “đổi tên” thành thực phẩm chức năng, hay thực phẩm bổ sung với giá tăng vù vù, mà không được quản lý giá.
Đáng nói, câu chuyện này lại xuất phát từ việc hai bộ Y tế và Tài chính có những quan điểm khác nhau liên quan đến sữa dành cho trẻ em.
Trong khi trong Danh mục bình ổn giá được quy định trong Luật Giá, có hiệu lực từ đầu năm 2013, có hạng mục “Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi”, nghĩa là các sản phẩm sữa cho trẻ em phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần tăng hay giảm giá…, thì xét theo 3 quy chuẩn quốc gia liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 6 vừa qua, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa đều đã “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, hay là thực phẩm bổ sung…
Cùng một sản phẩm nhưng có hai tên, từ đó nổ ra cuộc tranh cãi kéo dài xem sản phẩm dinh dưỡng - như tên mới có tiếp tục được bình ổn giá không. Và kết quả hiện nay, chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế giải quyết rốt ráo vấn đề này.
Nhã Nam