Thời sự
Thu vào ngân sách nhà nước 100% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia
Thanh Hương - 31/03/2021 14:46
Ngân sách Nhà nước sẽ thu 100% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia, sau khi đã trừ 1,5% để Công ty mẹ bù đắp chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí.

Trên thực tế, Dự thảo Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Tài chính đưa ra từ đầu năm 2016, nhằm thay thế cho các quy định tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP, nhằm phù hợp với nhiều quy định mới của luật pháp liên quan đến lĩnh vực đặc thù như ngành dầu khí, đơn cử như các quy định của Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí không còn phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách ban hành năm 2015.

Đặc biệt, khi Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được ban hành vào tháng 1/2018 càng khiến cho Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị định 06/2015/NĐ-CP không còn căn cứ pháp lý để vận dụng.

Như vậy, với việc Nghị định 36/2021/NĐ-CP được ký ban hành ngày 29/3/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện đúng cam kết của mình vào đầu tháng 3/2021 khi giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến, rà soát chỉnh sửa, hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy chế tài chính cho PVN trong tháng 3 này.

Tìm kiếm, khai thác dầu khí là lĩnh vực đặc thù, cần có những chính sách riêng mới thu hút được đầu tư 

Theo Nghị định số 36/2021/NĐ-CP về Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa được ban hành, Ngân sách Nhà nước sẽ thu 100% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (sau khi đã trừ 1,5% để Công ty mẹ bù đắp chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí) của Nghị định 36/2021/NĐ-CP.

Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với Nghị định 06/2015/NĐ-CP khi quy định “tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước và đầu tư trở lại công ty mẹ thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong từng thời kỳ”.

 Theo Nghị định 36/2021/NĐ-CP, các khoản thu của Nhà nước từ hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao gồm:

- Các khoản thuế và thu ngân sách phải nộp theo quy định của pháp luật.

- Thu chênh lệch giá khí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thu tiền khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác theo quy định hiện hành.

- Thu vào ngân sách nhà nước 100% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (sau khi đã trừ 1,5% để Công ty mẹ bù đắp chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí), tiền lãi dầu khí và các khoản khác được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, tiền đọc và sử dụng tài liệu dầu khí.

- Thu vào ngân sách nhà nước 100% tiền thu về hoa hồng dầu khí các loại (hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện, hoa hồng sản xuất...); khoản tiền đền bù do không thực hiện đầy đủ cam kết tối thiểu của nhà thầu trong các Hợp đồng dầu khí.

- Hàng năm, trong trường hợp Chính phủ không có quy định khác, Công ty mẹ phải xây dựng kế hoạch về nhu cầu chi ngoại tệ báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ nhu cầu chi ngoại tệ, Công ty mẹ được sử dụng một phần số ngoại tệ phải nộp ngân sách nhà nước để cân đối cho nhu cầu chi tiêu ngoại tệ nhưng không vượt quá 30% nhu cầu chi ngoại tệ của Công ty mẹ. Phần còn thiếu, Công ty mẹ tự cân đối. Các khoản thu nộp ngân sách nhà nước tương ứng với số ngoại tệ nói trên sẽ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo quy định.

Trường hợp Công ty mẹ không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định tại Điều 19 Quy chế này mà vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản) trên báo cáo tài chính năm của Công ty mẹ lớn hơn mức vốn điều lệ đã được phê duyệt của năm trước liền kề, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo việc Công ty mẹ thực hiện nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước.
Điều 4, Nghị định 36/2021/NĐ-CP

Căn cứ khả năng cân đối ngoại tệ của ngân sách nhà nước và nhu cầu chi ngoại tệ của Công ty mẹ; Bộ Tài chính xem xét, quyết định và thông báo về khả năng cân đối cho Công ty mẹ được sử dụng một phần từ số ngoại tệ phải nộp ngân sách nhà nước hàng năm.

Công ty mẹ thực hiện giao dịch thu, chi bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Nghị định 36/2021/NĐ-CP cũng quy định việc quản lý, sử dụng các khoản tiền Nhà nước đầu tư lại cho Công ty mẹ.

Theo đó, Nhà nước đầu tư trở lại nguồn lãi nước chủ nhà từ ngân sách nhà nước cho Công ty mẹ theo hình thức đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quy trình thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ từ nguồn lãi nước chủ nhà thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định sau:

Căn cứ chiến lược phát triển ngành dầu khí, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh 05 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn, Công ty mẹ xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

Hàng năm, căn cứ nhu cầu, phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty mẹ dự kiến mức đầu tư bổ sung vốn điều lệ gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét cho ý kiến, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước (nguồn lãi nước chủ nhà đầu tư trở lại), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ dự toán đầu tư bổ sung vốn điều lệ từ nguồn chi đầu tư phát triển (nguồn lãi nước chủ nhà đầu tư trở lại) của ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Công ty mẹ lập hồ sơ đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hội đồng thành viên Công ty mẹ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển nguồn lãi dầu, khí nước chủ nhà đầu tư trở lại theo đúng quy định pháp luật.

Khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà đầu tư trở lại bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ được sử dụng để tham gia thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí (theo tiêu chí, danh mục do Bộ Công Thương đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin liên quan
Tin khác