Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của trái thanh long Việt Nam. |
Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng thanh long tươi của Trung Quốc (HS: 08109080) là 523 nghìn tấn với giá trị là 381 triệu USD.
Trong đó, đa số là nhập khẩu từ Việt Nam với kim ngạch và sản lượng chiếm tỷ trọng tới 99%, chỉ một lượng nhỏ nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc.
Nguồn cung thanh long tươi cho thị trường Trung Quốc hiện cơ bản từ 2 nguồn là nội địa và nhập khẩu từ Việt Nam.
Về giá cả và tình hình tiêu thụ, thời điểm hiện tại, thanh long nội địa của Trung Quốc đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính, giá bán buôn thanh long trên thị trường Trung Quốc bắt đầu xu hướng chững lại và giảm nhẹ, gây ảnh hưởng đến giá thanh long Việt Nam.
Thời điểm đầu tháng 5 giá bán buôn thanh long Việt Nam tại Trung Quốc khá cao 12 - 14 NDT/kg (Tỷ giá hiện nay 1 Nhân dân tệ (NDT) đổi được khoảng 3.300-3.400 VNĐ). Hiện tại, giá trung bình còn khoảng từ 6,5 NDT/kg - 10 NDT/kg tuỳ theo địa bàn tiêu thụ và tùy từng loại thanh long (ruột đỏ giá cao hơn ruột trắng). Địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam là các địa phương gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng hoa quả nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam.
Về diện tích gieo trồng, tổng diện tích trồng thanh long nội địa Trung Quốc hiện vào khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam hiện nay. Trong đó, Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, Quảng Đông khoảng 8.000 ha, Quý Châu 8.000 ha, Hải Nam 3.333 ha, Vân Nam khoảng 2.666 ha, Phúc Kiến khoảng 1.333 ha và còn khoảng 1.333 ha được trồng tại các địa phương khác.
Quả thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục hoa quả trọng điểm phát triển trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng trong một số năm tới đây sẽ còn tăng.
Về thời gian thu hoạch, thanh long nội địa Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 đến khoảng tháng 11 hàng năm, rải rác trong khắp các địa phương trồng thanh long, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam.
Bởi vậy, Bộ Công Thương thông báo để các doanh nghiệp, hộ nông dân nắm tình hình và chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, là 1 trong 5 loại cây được bố trí rải vụ để thu hoạch các mùa trong năm, cũng là 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo đó, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu trái cây những năm vừa qua.