Nhiều tác hại
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại đường phổ biến được nhà sản xuất cho vào đồ uống có đường là fructose. Đường fructose sẽ làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride, kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều so với glucose, làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể, dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
Phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này đều tìm thấy mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường với hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng béo phì. Hơn nữa, do đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng, khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc.
Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống đồ uống có đường với hàm lượng calo cao. Do đó, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ đồ uống có đường này sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì.
Kết quả là một người trưởng thành ăn uống bình thường, nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước soda có đường (350 ml cung cấp 150 kcal và 40-50 gam đường) có thể gây tăng 6,75 kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, có một mối nguy từ thực phẩm sử dụng đường thay thế đang được giới chuyên gia nhắc tới. BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay, đường thay thế là một loại chất hóa học carbohydrate có vị ngọt. Cách nó được chuyển hóa trong cơ thể hoàn toàn khác với đường. Chúng không hấp thụ được hoàn toàn trong ruột và có lượng calo thấp hơn đường thật. Tuy nhiên, đường thay thế có thể gây tiêu chảy. Lý do là bởi, chất carbonhydrate thay thế đường không được hấp thụ hoàn toàn, vẫn còn trong ruột. Chúng sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu, tăng hút nước vào lòng ruột, dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài việc hấp thụ nước vào lòng ruột, các vi sinh vật trong ruột cũng lấy carbonhydrate làm thức ăn ưa thích của chúng. Quá trình lên men của vi sinh vật làm tăng sản xuất khí trong ruột. Đồng thời, hoạt động quá mức của vi sinh vật cũng có thể gây ra một số phản ứng trong ruột. Đó là những lý do gây tình trạng chướng bụng, đầy hơi, đau bụng.
Gánh nặng y tế
Các chuyên gia cảnh báo, thừa cân béo phì khiến nhiều người có nguy cơ mắc các loại bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 bệnh ung thư. Đây là gánh nặng cho cá nhân và xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu người mắc bệnh không lây nhiễm, chiếm gần 1/4 dân số.
Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, PGS-TS. Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn, một “đại dịch” có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo chiều thẳng đứng.
Cụ thể, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh 5-19 tuổi chỉ khoảng 2%, thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2,3 lần. Tại Việt Nam, sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010, lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5%, lên 19%). Đặc biệt, tại TP.HCM, cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi 10 năm (từ 12%, lên 19,6%). “Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này, sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi”, bà Mai nhấn mạnh.
GS-TS.Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo, béo phì là một bệnh mãn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.
Theo đó, cần tăng cường các thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả, giảm bớt thức ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt...
Bên cạnh đó, cần tích cực vận động cơ thể, tập thể dục thể thao. Bởi khi ít vận động, ngồi tại chỗ nhiều sẽ khiến tiêu hao năng lượng ít hơn năng lượng ăn vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân béo phì.