Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc, nhưng việc thua lỗ nhiều năm liên tiếp là nguyên nhân chính khiến họ phải rời sàn chứng khoán. |
Hàng loạt cổ phiếu rời sàn
Trong 2 ngày 23 - 24/5, hàng loạt mã chứng khoán sẽ “dắt tay” nhau rời sàn theo diện hủy niêm yết bắt buộc.
Cụ thể, ngày 23/5, cổ phiếu PCN của CTCP Hóa phẩm dầu khí DMC và VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam sẽ rời sàn. Ngày 24/5, cổ phiếu DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt, DCS của CTCP Tập Đoàn Đại Châu, PVV của CTCP Vinaconex 39 sẽ tiếp bước.
Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc, nhưng việc thua lỗ nhiều năm liên tiếp là nguyên nhân chính khiến họ phải rời sàn chứng khoán.
Đáng chú ý trong nhóm các cổ phiếu sắp hủy niêm yết trên là trường hợp của VHG. Trước khi liên tục giảm sàn từ cuối tháng 4/2019 đến nay, cổ phiếu VHG đã có chuỗi tăng trần 22 phiên ấn tượng, từ 470 đồng/cổ phiếu lên 1.940 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là doanh nghiệp mà Báo Đầu tư đã có một số bài viết phân tích về những vấn đề trong việc thoái vốn, khiến Công ty “thổi bay” ngàn tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ VHG âm hơn 302 tỷ đồng, do trong năm, Công ty tiếp tục tái cấu trúc tài chính, thoái những khoản đầu tư không hiệu quả, nỗ lực thu hồi vốn, đồng thời trích lập dự phòng một số khoản đầu tư tài chính nhằm đảm bảo an toàn về tài chính.
Sau 3 năm lỗ liên tiếp, VHG không đủ điều kiện tiếp tục niêm yết trên HoSE theo quy định. Công ty này đã gửi giải trình, đồng thời mong Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tạo điều kiện để Công ty thực hiện hủy niêm yết trên HoSE và tiến hành đăng ký giao dịch tại UPCoM nhằm đảm bảo việc giao dịch chuyển nhượng cổ phần được liên tục.
Tuy nhiên, với việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, VHG không phải chịu các quy định công bố thông tin khắt khe như niêm yết trên HoSE, khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này lo ngại việc thiếu thông tin về hoạt động của Công ty.
Một trường hợp cũng đáng chú ý khác là cổ phiếu PVV của Vinaconex 39.
Năm 2018, Vinaconex 39 lỗ gần 51 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên trên 251 tỷ đồng. Ông Vũ Thành Kiên, Tổng giám đốc Vinaconex 39 cho biết, năm 2019, Công ty sẽ hoàn thành các thủ tục còn lại của các dự án CT2, 60B Nguyễn Huy Tưởng để hỗ trợ công tác thu hồi vốn...
Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của Vinaconex 39 không cho thấy dấu hiệu khởi sắc, khi nội dung Tờ trình Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Vinaconex 39 cho thấy, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 97,12 tỷ đồng, lỗ 35,7 tỷ đồng.
Những cổ phiếu ngấp nghé hủy niêm yết
Không chỉ hàng loạt cổ phiếu sắp hủy niêm yết bắt buộc, mà không ít cổ phiếu khác cũng đang “ngấp nghé” hủy niêm yết do gặp tình trạng “báo động” về tài sản.
Cụ thể, Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) vừa yêu cầu hàng loạt doanh nghiệp phải báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị huỷ niêm yết. Yêu cầu này được HNX đưa ra khi các tài liệu công bố chính thức của các doanh nghiệp niêm yết có hàm chứa các thông tin thuộc trường hợp bị huỷ niêm yết bắt buộc theo luật định.
Theo công văn HNX gửi CTCP Xi măng Sài Sơn (mã SCJ), ngày 20/3/2019, HNX đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết của Xi măng Sài Sơn đối với 18,323 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi công nợ theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty. HNX nhận thấy, sau khi hoán đổi, công ty này thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định.
Theo giải trình từ phía Xi măng Sài Sơn, sau khi phát hành cổ phiếu hoán đổi công nợ cho ông Nguyễn Sỹ Tiệp, với 18,323 triệu cổ phiếu, Công ty đã nâng tổng vốn điều lệ lên gần 378,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh năm 2018 của Công ty không thuận lợi với khoản lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 5,3 tỷ đồng. Sau khi hoán đổi công nợ, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 1,48%, thấp hơn tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tối thiểu để được niêm yết trên HNX là 5%. Do đó, SCJ thuộc diện chứng khoán bị hủy niêm yết.
Hay như trường hợp cổ phiếu KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình, trong báo cáo tài chính năm 2017 và 2018 đã bị đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội từ chối đưa ra ý kiến. HNX đã yêu cầu Khoáng sản Hòa Bình giải trình nguyên nhân, nhưng việc bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cũng thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Việc rơi vào tình cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc là một “bước lùi” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến chung của các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, hiện tượng hủy niêm yết là bình thường, thậm chí còn có ý nghĩa tích cực, nhằm thanh lọc, giảm rủi ro cho nhà đầu tư.
Một số điều kiện hủy niêm yết bắt buộc
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên;
- Cổ phiếu không có giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp...
(Trích Nghị định số 58/2012/NĐ-CP)