Sau thời gian dài phải ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho phép mở cửa trở lại đối với nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có karaoke. Duy chỉ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như quán bar, vũ trường tại tỉnh này vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Còn lại, các cơ sở nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, Pub bia, internet, trò chơi điện tử, karaoke, xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ hoặc spa được phép hoạt động không quá 50% công suất phục vụ.
Các hoạt động cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức không quá 50% công suất của hội trường.
Tiết mục Trống hội tại chương trình khai mạc lễ hội đền Huyền Trân |
Bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, areobic, khiêu vũ, bida...) và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng được phép hoạt động không quá 50% công suất.
Hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề được thực hiện theo hình thức trực tiếp. Đối với những địa bàn có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao hoặc các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề xuất hiện F0 thì xem xét các yếu tố dịch tễ để tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, homestay (gọi chung là cơ sở lưu trú) được phép hoạt động bình thường.
Tất cả các hoạt động nêu trên phải đảm bảo nghiêm các quy định về phòng, chống dịch như người tham gia, khách hàng từ 12 tuổi trở lên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code và giữ khoảng cách.
Trước đó, khai hội sự kiện đền Huyền Trân, mở đầu chuỗi sự kiện Festival bốn mùa Huế 2022, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ hội đền Huyền Trân năm nay cũng là lễ hội quy mô đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện Festival 4 mùa Huế 2022.
Lễ hội đền Huyền Trân với ý nghĩa sâu sắc “Ngưỡng vọng tiền nhân” - những người đã có công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc: Hoàng đế - Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những người đã có vai trò quyết định để cách đây 715 năm, Đại Việt có thêm hai châu Ô Lý/ Thuận Hóa vuông ngàn dặm, kéo dài từ đất Quảng Trị đến sông Thu Bồn- Quảng Nam, trong đó có xứ Huế hiện nay, ông Hải cho hay.
Cũng theo Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, dịp Tết Nhâm Dần, ngành du lịch Huế đón hơn 50.000 lượt du khách đến Huế tham quan, du xuân trong những ngày đầu năm mới. Đây là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch Huế trong giai đoạn mở cửa hậu COVID-19.
Trong đó, nhiều điểm tham quan tập trung rất đông du khách như Đại Nội, lăng vua Gia Long, Khải Định, Tự Đức; chùa Thiên Mụ, Từ Hiếu, cầu ngói Thanh Toàn và khu tiểu cảnh hoa xuân công viên Lý Tự Trọng ven sông Hương...
Năm nay, ngoài tham quan Đại Nội và các lăng tẩm vua triều Nguyễn, du khách các tỉnh đến Huế có xu hướng ghé thăm các điểm du lịch tâm linh đầu năm như chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu... Đặc biệt, nhiều du khách các tỉnh miền Trung đến tham quan, viếng chùa, du lịch về trong ngày tăng cao.