Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, trong những năm dịch bùng phát, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, rút khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp doanh thu sụt giảm. Điều này tạo nên tác động tiêu cực không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của lực lượng lao động, tình hình kinh tế chung.
Trước khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh mẽ đổi mới để thích nghi, hướng hoạt động doanh nghiệp vào mô hình kinh doanh thương mại với các mục tiêu tạo tác động tích cực đối với môi trường và xã hội.
Ngoài sự thay đổi thích nghi, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) của Thừa Thiên Huế cũng đã có được tiếp sức rất lớn từ các chính sách. Trong đó có dự án "Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (Dự án ISEE-COVID - được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada, được đồng thực hiện bởi UNDP và Cục phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tính đến nay, Thừa Thiên Huế có 8 doanh nghiệp SIB nhận được gói hỗ trợ từ Dự án ISEE-COVID - Ảnh: Mộc Truly Huế |
Dự án đã khởi động "Gói hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19" vào tháng 4/2022 với 29 doanh nghiệp nhận hỗ trợ, trong đó Thừa Thiên Huế có 3 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ.
Thông qua hỗ trợ này 3 doanh nghiệp là Mộc Truly Hue’s, May Paper Flowers và Marie’s đã nhận được các hỗ trợ 6 tháng huấn luyện 1:1 và đào tạo chuyên sâu với những đơn vị ươm tạo chuyên nghiệp, nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho SIB; vốn hạt giống 100 triệu đồng cho mỗi SIB để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới.
Cả 3 doanh nghiệp cũng được tham gia vào hệ sinh thái SIB Việt Nam và tham gia các hoạt động kết nối, hỗ trợ kỹ thuật khác do dự án tổ chức. Chính những hỗ trợ này đã thúc đẩy các doanh nghiệp này được trang bị thêm nguồn lực, kĩ năng vượt qua đại dịch.
"Trong khi May Paper Flowers có thêm điều kiện phát triển thêm nhiều mẫu mã mới, mở rộng cơ sở kinh doanh vào thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ yếu thế. Thì Mộc Truly Huế lại thúc đẩy đa dạng các sản phẩm quà tặng, tạo thêm nhiều màu sắc mới cho các sản phẩm quà tặng cũng như đa dạng sản phẩm đặc sản, khôi phục những sản phẩm truyền thống đứng trước nguy cơ thất truyền, đưa các sản phẩm của mình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, tiktok shop…" ông Lê Văn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, ngoài các hỗ trợ nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã lồng ghép triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp SIB như hỗ trợ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Các doanh nghiệp SIB được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo do sở và các đơn vị sở ngành, hiệp hội tổ chức như hỗ trợ đào tạo thực chiến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ xúc tiến thương mại xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 100 ngày, hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp; các chính sách kết nối doanh nghiệp với ngân hàng… những điều này đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng và tăng trưởng trong 2 năm trở lại đây.
Trên cơ sở thành công từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2023, Dự án ISEE-COVID tiếp tục triển khai “Chương trình Đồng hành cùng các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) khôi phục sau COVID-19” nhằm giúp các SIB xác định những thách thức quan trọng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Thiết kế và chuyển đổi mô hình kinh doanh, hoặc phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, mở rộng thị trường để thích ứng với tình hình hiện tại; xây dựng và thử nghiệm của sản phẩm/dịch vụ mới, để tạo ra thêm nhiều tác động tích cực về xã hội và môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Nhiều hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền, đánh giá về dự án cũng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo nên sự lan toả trong thực hiện dự án.
Theo đó, trong năm 2023, Thừa Thiên Huế có 5 doanh nghiệp SIB nhận được gói các hỗ trợ nêu trên (Công ty TNHH MTV SXTM và DV Hichagol; Công ty TNHH SX-TM Liên Minh Xanh; Công ty TNHH SBC Hoàng Gia; Công ty TNHH MTV TM và DL Long Mã; HTX SX và chế biến NS Quảng Phú).
"Với những thành công bước 1 của dự án, Thừa Thiên Huế rất mong muốn các doanh nghiệp này có thể tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ dự án để có thể đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động cải thiện sinh kế cộng đồng", ông Cường chia sẻ.