Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên các dự án thuộc các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như: du lịch, bất động sản; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của Khu vực Đông Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu thu hút khoảng 15 dự án trong năm 2018. |
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư – kiêm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, đối với các nhà đầu tư trong nước, Thừa Thiên Huế ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thương hiệu lớn trong các lĩnh vực tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư; những nhà đầu tư là đối tác có uy tín của các ngân hàng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; những nhà đầu tư đã sản xuất kinh doanh thành công tại các tỉnh, thành phố khác, có nhu cầu chuyển đến sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên Huế; những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công, uy tín tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Và đối với thị trường các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong, Hoa Kỳ, Châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do quốc tế, khu vực và song phương; lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động qua đào tạo và chi phí thấp. Riêng lĩnh vực du lịch, ưu tiên hướng tới thị trường khách du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng từ có thị trường Châu Âu, Đông Bắc Á, Hoa Kỳ.
Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế đã đề ra một số nhiệm vụ chính đó là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng trong xúc tiến đầu tư. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Cụ thể trong năm 2018, dự kiến sẽ xây dựng khoảng 20 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực tập trung kêu gọi của tỉnh, tập trung ở cả ba địa bàn: Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương, địa bàn thành phố Huế và các địa bàn khác ngoài các khu vực trên. Hoàn thành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh bằng các thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật - Hàn - Thái.
Xây dựng trang web bằng tiếng Anh theo một giao diện thân thiện, dễ hiểu. Xây dựng cẩm nang xúc tiến đầu tư trên nguyên tắc gộp toàn bộ thông tin hiện có vào 1 cuốn tài liệu nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư theo phong cách đổi mới, thiết kế theo hình thức mới lạ đảm bảo tính chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin... Xây dựng cẩm nang xúc tiến đầu tư (Handbook) bao gồm thông tin đầy đủ và toàn diện về quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. Xây dựng CSDL bản đồ các dự án kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, cập nhật thông tin và địa điểm của các dự án kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng. Hình thành cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến đầu tư điện tử. Xây dựng các video clip theo chuyên đề phục vụ công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về XTĐT. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về XTĐT. Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các dự án trọng điểm...
Ông Phan Thiên Định chia sẻ:“Thời gian tới, Tỉnh cũng sẽ tập trung vào các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư như tuyên truyền và đăng thông tin trên các báo, tạp chí như: Báo Đầu tư ( Vietnam Investment Review), Tạp chí Kinh tế và Dự báo, và các đơn vị uy tín khác...Đồng thời tỉnh cũng chú trọng tiếp tục tuyên truyền và quảng bá thường xuyên trên website xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Xây dựng các chiến lược truyền thông cụ thể cho từng dự án mang tính nhạy cảm, đặc thù như dự án quy hoạch Bạch Mã. Xây dựng và hình thành nên mạng lưới các chuyên gia báo chí, phóng viên để hỗ trợ tỉnh phản biện các vấn đề thời sự liên quan các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp thông tin trung thực, chính thống đến công luận, tránh dư luận tiêu cực, xuyên tạc về chính quyền".