Đó là mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 114/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2020,Thừa Thiên Huế sẽ có 7.000 doanh nghiệp hoạt động. |
Đối với công tác cải cách hành chính, tỉnh sẽ từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước. Rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp xuống còn 2 ngày làm việc đối với hồ sơ đăng ký nộp qua mạng điện tử và 3 ngày làm việc đối với hồ sơ nộp bằng bản giấy.
Duy trì kênh đối thoại trực tuyến “Trao đổi và tháo gỡ” định kỳ 2 tháng/01 lần giữa UBND tỉnh và các sở, ban, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thành lập và công khai đường dây nóng ở tất cả các cơ quan và người đứng đầu từ cấp tỉnh đến cấp xã, thực hiện hỏi đáp trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, cấp huyện, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị,...Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp đang đầu tư ở Khu kinh tế và các Khu công nghiệp.
Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp.
Khuyến khích, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ trực thuộc. Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo mô hình vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin, thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực hỗ trợ.
Rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, tín dụng; tổ chức cho vay thí điểm mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp với lãi suất hợp lý; tăng tỷ trọng cho vay đối với nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm, thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ...