Vùng đất kinh đô xưa đã tạo cho người dân Huế một phong thái thanh tao, cao nhã nhưng rất đằm thắm nhẹ nhàng. Điều này không chỉ có ở những phi tần, mỹ nữ, những vương tôn quý tử trong Hoàng thành xưa mà còn lan tỏa trong tầng lớp nhân dân đến tận bây giờ. Cái phong thái cao nhã ấy ẩn hiện trong những tiếng “dạ, thưa” mềm mại, qua cái dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển với chiếc áo dài tím thướt tha…
Song, có thể do chính nhịp sống "chầm chậm" này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư của tỉnh, đặc biệt là du lịch - một thế mạnh của Thừa Thiên Huế.
Thay đổi nhịp sống "chầm chậm"để thu hút đầu tư
Năm 2016, tại buổi xúc tiến đầu tư vào du lịch giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với đại diện các tập đoàn, công ty lớn tại Hà Nội, một lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẳng thắn nhìn nhận Huế trong thời gian qua đã phát triển rất chậm, chưa có nhà đầu tư lớn khiến Huế không thể có những dự án du lịch mới, sản phẩm mới.
Với thực trạng trên, vị này khẳng định thời gian tới, Huế sẽ quyết tâm thay đổi trong mắt các nhà đầu tư để thu hút hơn nữa vốn vào phát triển tỉnh, đặc biệt là ngành du lịch, quan trọng thay đổi từ tư duy đến hành động, không để nhịp sống "chầm chậm" của Huế ảnh hưởng đến đầu tư và tâm lý nhà đầu tư khi vào Huế.
Toàn cảnh về khu du lịch nghỉ dưỡng tại bãi biển Lăng Cô, Thừa Thiên Huế |
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quyết tâm thay đổi tư duy để bứt phá lên. Tỉnh cương quyết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư vào Huế. Tất cả nhà đầu tư vào chúng tôi sẽ phân công các lãnh đạo đi theo cùng với lãnh đạo doanh nghiệp để giải quyết chủ trương chính sách cho họ. Quyết tâm lập các tổ công tác nhằm giải quyết cho các chủ đầu tư, không để họ tự đi đến các sở ngành làm việc".
Để thực hiện, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết đưa ra các biện pháp có lợi nhất cho các nhà đầu tư với mục tiêu đến Huế không chỉ còn ấn tượng với cố đô, với nhịp sống nhẹ nhẹ, chầm chậm mà phải thay đổi nhịp sống để đuổi kịp sự phát triển các tỉnh như Đà Nẵng, Bình Định. Quan điểm hiện nay là Huế sẽ không chỉ phụ thuộc vào khai thác lợi thế từ cố đô, từ văn hóa mà phải xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thu hút đầu tư vào bất động sản, khu vui chơi và khu tổ hợp sinh thái nhằm đuổi kịp các tỉnh khác của miền Trung.
Thay đổi từ tư duy đến hành động
Lời khẳng định đó đã được chứng thực bằng những hành động cụ thể, khi Thừa Thiên Huế đã chủ động “gõ cửa” kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành các hoạt động xúc tiến cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, tỉnh cũng đón tiếp nhiều đoàn khách là đại diện của các nhà đầu tư trong nước, cũng như nhiều nước trên thế giới đến khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Trong những lần tiếp xúc ấy, nhiều nhà đầu tư đã quyết định chọn Thừa Thiên Huế làm điểm dừng chân cho những dự án của mình.
Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút tổng cộng được 151 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 72.300 tỷ đồng; trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 31.200 tỷ đồng.
Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị ảnh hưởng liên tiếp các đợt thiên tai bão lũ trong những tháng cuối năm, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt 7,76% (cao hơn bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/12 khu vực miền Trung). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5%. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, gắn kết giữa văn hóa với du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, từng bước khẳng định là đô thị du lịch văn minh, thân thiện, xanh, sạch. Thế mạnh là Du lịch – Dịch vụ đã được tỉnh tập trung đầu tư, hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đây là những trăn trở rất lớn của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Một niềm vui lớn đến với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là ngay đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và gợi mở cho tỉnh nhiều hướng đi phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có truyền thống hiếu học, là Cố đô của Việt Nam, có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên nằm trong khu vực miền Trung. Vì vậy, con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh Thừa Thiên Huế là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; phương hướng phát triển phải mang tính đặc thù, khác biệt với các đô thị, thành phố khác trong cả nước; phát huy vai trò, đóng góp của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Tiếp tục sát cánh cùng nhà đầu tư
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế vui mừng cho biết, kết quả có được trong năm vừa qua không chỉ là nỗ lực của một thời điểm, mà là quá trình lâu dài của địa phương trong công tác đổi mới xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Á Đông (bên phải) tại buổi ký kết hợp tác với ông Lu Wang Sheng, Tổng Giám đốc công ty Quốc tế Minh Viễn để đầu tư làm du lịch nghỉ dưỡng tại bãi biển Lăng Cô. |
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư cụ thể và không xúc tiến đầu tư dàn trải như thời gian trước đây nữa. Cùng với đó, đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chọn tỉnh làm điểm đến, ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn với quan điểm, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật.
Đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (điện thi công, nước, giao thông, nước thải…), để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất.
Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục kiên trì thay đổi tư duy trong hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp. Tạo lập môi trường đầu tư sản xuất - kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Đón bắt thời cơ này, Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông - một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, khu đô thị và sản xuất hàng tiêu dùng đã mạnh dạn mua gần 50% cổ phần của Công ty Quốc tế Minh Viễn để tham gia vào lĩnh vực đầu tư du lịch nghỉ dưỡng tại bãi biển Lăng Cô.
Theo đó, dự án có địa chỉ ở xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, huyện Phúc Lộc (Thừa Thiên Huế). Tổng mức đầu tư dự án hơn 2,7 tỷ đô.
Dự án trên không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp mà còn là sự thể hiện quyết tâm, trách nhiệm với nhân dân của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc biến các tiềm năng du lịch thành hiệu quả kinh tế - xã hội.
Khu nghỉ dưỡng này sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần vào việc thay đổi diện mạo của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thu hút khách du lịch và trở thành Khu vui chơi và nghỉ dưỡng quanh năm. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương, tạo tiền đề cho làn sóng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.