Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn đã được cải thiên; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2018 bình quân 4,65%/năm.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa mạnh; nhất là chưa có nhiều doanh doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.
“Thông qua Hội nghị này, Thừa Thiên Huế mong muốn nhận được nhiều ý kiến đề xuất các nhà quản lý, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về giải pháp cũng như những ý tưởng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bền vững theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định:“ Thừa Thiên Huế cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.”
Tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế cùng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhằm phát huy dư địa và văn hóa của vùng đất Cố đô để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; nhất là tạo ra các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khuyến khích, ưu đãi chính sách đầu tư vào các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án phát triển nông nghiệp |
Tỉnh cũng sẽ tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới và các dự án nghiên cứu lai tạo, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Thực hiện các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, ...) và dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền...
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thừa Thiên Huế có dư địa rất lớn trong phát triển nông nghiệp với đặc điểm về địa hình đa dạng và phong phú có cả ba vùng (đồng bằng, trung du - miền núi và biển, đầm phá) với bờ biển dài 128 km, diện tích đất nông nghiệp chiếm 82% diện tích tự nhiên, diện tích rừng có tính đa dạng sinh học cao; đặc biệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái đầm phá đa dạng, có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường góp ý:“ tỉnh Thừa Thiên Huế cần phát huy được những nét đặc trưng riêng có của mình, đó là phải xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đa dạng; xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ từ cây, con, rừng, dược liệu; xây dựng nền nông nghiệp đặc sản tạo nên sự khác biệt và gắn với chuỗi ẩm thực của riêng Huế... hướng tới phục vụ phát triển du lịch. Để phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu thêm trong quy hoạch và hoạch định chính sách về cơ cấu nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nông thôn, đưa người nông dân là chủ thể của nền nông nghiệp".
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe tham luận của các nhà nghiên cứu về nông nghiệp như: "Thực trạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo chương trình OCOP"; "Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế"; "Mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam" của JICA…
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án phát triển nông nghiệp, gồm: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Fam-Thừa Thiên Huế cho Công ty CP sản xuất và nhập khẩu nông sản FAM; Dự án Vườn Bách thảo trên sông tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho Công ty TNHH Tiến Đạt; Dự án khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại phường Hương An, thị xã Hương Trà cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Khang Hân.