Bộ GTVT đánh giá Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm. |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Bộ GTVT cho Vietravel Airlines.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi Vietravel Airlines đóng trụ sở thống nhất cao với các nội dung trong công văn số 8747/BGTVT-VT ngày 4/9/2020 của Bộ GTVT về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines để dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Namsớm được đưa vào khai thác đảm bảo theo tiến độ quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp.
“UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng Nhà đầu tư triển khai các thủ tục tiếp theo, sớm đưa dự án đi khai thác theo đúng các quy định của pháp luật”, công văn do ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký nêu rõ.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt nam đã được Thủ tướng Chính phủ cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020. Khi dự án đi vào khai thác sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước, đóng góp vào thu nhập quốc dân, tạo thu nhập cho lao động địa và góp phần thặng dư xã hôi; tạo việc làm cho khoảng 595 người góp phần giải quyết vấn đề xã hội, thu ngoại tệ cho đất nước trên các chuyến bay quốc tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra việc Vietravel Airlines thực hiện Dự án đầu tư vận tải hàng không lữ hành Việt Nam với mục tiêu xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trên thế giới. Với lợi thế hãng lữa hành du lịch, Mạng đường bay nội địa gắn với tuyến du lịch của Vietravel và kết nối nội vùng với các Cảng hàng không là điểm du lịch lớn của cả nước, góp phần kết nối các điểm có lượng khách du lịch cao, góp phần quảng bá hình ảnh của Huế rộng rãi hơn cho bạn bè trong nước và quốc tế.
Trước đó, tại công văn số 8747/BGTVT-VT, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ này cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.
Bộ GTVT đánh giá Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP và phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. Nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đảm bảo phù hợp với Quyết định số 457/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Vietravel Airlines đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào đầu năm 2019 và cấp sửa đổi, bổ sung lần 2 vào tháng 5/2019, là doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty TNHH một thành viên với chủ sở hữu là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng, có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng không, có trụ sở chính tại số 17 Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
Hồ sơ của Vietravel Airlines đã đáp ứng được các điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP, cụ thể vốn điều lệ của Vietravel Airlines là 700 tỷ đồng. Vietravel Airlines có Giấy xác nhận phong tỏa tiền gửi (Văn bản xác nhận vốn) của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng ngày 29/6/2020 với số tiền là 700 tỷ đồng.
Về phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, Bộ GTVT đánh giá Hồ sơ của Vietravel Airlines đã xây dựng được phương án đảm bảo có tàu bay khai thác đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, Vietravel Airlines dự kiến khai thác ban đầu là 3 chiếc A320/A321 hoặc B737 và tương đương trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021) và tăng lên 8 tàu bay trong 5 năm tiếp theo. Vietravel Airlines đã có các tiếp xúc chính thức với cả Vietnam Airlines và VietJet Air để nghiên cứu phương án hợp tác thuê lại tàu bay của 2 hãng này và bước đầu đã ký kết biên bản ghi nhớ nội dung trao đổi để có thể hiện thực hóa việc hợp tác trong thời gian tới sau khi Vietravel Airlines được cấp Giấp phép.
Đối với mô hình kinh doanh, Bộ GTVT cho biết, Vietravel Airlines định hướng phát triển là hãng hàng không có hoạt động bay phục vụ khách du lịch là chủ yếu với mạng đường bay gắn với tuyến du lịch trong nước và quốc tế, kết nối nội vùng với các cảng hàng không còn dư nhiều công suất như: Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Vân Đồn, Cát Bi... sau đó phát triển theo mô hình hãng hàng không phục vụ du lịch và cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đã được phân tích, đánh giá và cập nhật trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Được biết, để chuẩn bị kinh doanh vận chuyển hàng không từ tháng thứ 10 kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 457/QĐ-TTg, Vietravel Airlines cần phải có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) vào tháng 10/2020 và phải có ít nhất 1 tàu bay để xin AOC vào tháng 9/2020. Vì vậy song song với quá trình xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong thời gian qua Vietravel Airlines đang tích cực xây dựng hồ sơ xin cấp AOC.
Để có tàu bay khai thác và xin AOC, trước thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Vietravel Airlines đã tìm kiếm và đàm phán thuê tàu bay của các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, VietJet Air và của các đối tác nước ngoài như B737-800 của ATTECH Holding Ltd, A321 của MG, BOC, Avolon, MSFL… Do dịch Covid-19 kéo dài nên tàu bay trên thế giới tạm thời dư thừa và việc tìm kiếm thuê tàu bay rất thuận lợi với giá thấp hơn trước đây rất nhiều.