Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam sẽ lên sàn với mã chứng khoán VIB |
Sức ép tuân thủ Thông tư 180…
Ngày 12/12/2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam với mã chứng khoán VIB. Số lượng chứng khoán VIB đăng ký lưu ký là 564.442.500 cổ phiếu, tương đương hơn 5.644 tỷ đồng vốn điều lệ.
Đây là thủ tục chuẩn bị cho việc VIB đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của VIB hồi tháng 4/2016, cổ đông đã thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về việc sẽ lên niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2018.
Việc lên sàn ở thời điểm này, theo chia sẻ của ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, tuân thủ quy định của Nhà nước (theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung trước ngày 31/12/2016).
“Việc VIB lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung sẽ giúp các nhà đầu tư được thông tin đầy đủ hơn về giá cổ phiếu, giá trị vốn hoá thị trường cũng như mức độ thanh khoản của cổ phiếu VIB, giúp họ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư. Việc giao dịch chứng khoán trên sàn cũng giúp người bán, người mua cổ phiếu của VIB dễ dàng gặp nhau hơn, dù đó là giao dịch sơ cấp hay thứ cấp”, ông Vũ nhấn mạnh.
VPBank cũng vừa gửi phiếu xin ý kiến cổ đông về việc đưa cổ phiếu lên sàn. Trong đó, Ngân hàng đưa ra hai phương án, một là lên giao dịch trên UPCoM; hai là lên niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức.
“Việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức có nhiều ưu điểm hơn so với đăng ký giao dịch UPCoM, nhưng việc chuẩn bị hồ sơ có thể sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Do vậy, Ngân hàng muốn trình Đại hội đồng cổ đông cả việc đăng ký giao dịch UPCoM để có thể đăng ký giao dịch trước khi hoàn tất các thủ tục để niêm yết. Nếu được cổ đông chấp thuận, VPBank sẽ thực hiện ngay các thủ tục để đăng ký chứng khoán để đáp ứng các quy định hiện hành”, một lãnh đạo VPBank chia sẻ.
Cũng cần nói thêm rằng, vào đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng có Văn bản 657/NHNN-TTGSNH để thúc các ngân hàng lên sàn, nhưng sau đó tất cả đều triển khai... từ từ.
… và áp lực từ Basel II
Quyết định lên sàn ở thời điểm này của VIB không chỉ xuất phát từ sức ép của việc tuân thủ Thông tư 180, mà như Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ “dựa trên phân tích của chúng tôi về khẩu vị của thị trường trong việc đầu tư vào chứng khoán nói chung và đầu tư vào cổ phần của VIB nói riêng.
Nền kinh tế đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, lãi suất và lạm phát được duy trì ở mức thấp và tỷ giá của tiền đồng được giữ ổn định, các nhà đầu tư đang có cái nhìn tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Ông Vũ cũng cho biết thêm, VIB hiện đang là một trong các ngân hàng Việt Nam có hệ số an toàn vốn cao nhất, khoảng 15,61% tại thời điểm cuối quý III/2016. Tuy nhiên, Ngân hàng cũng cần chuẩn bị từ bây giờ cho các lần gọi vốn từ thị trường trong thời gian tới khi mà tốc độ tăng trưởng tài sản và tín dụng của VIB liên tục ở mức rất khả quan, xấp xỉ 25% trong 2 năm liên tục và dự kiến sẽ tiếp tục ở tốc độ này trong năm tiếp theo.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, thị trường cổ phiếu phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi tăng trưởng cũng như quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số VN-Index cuối năm 2016 vượt vùng đỉnh 660 điểm kể từ năm 2009 đến nay. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tăng từ 32,4% GDP năm 2015 lên khoảng 40% GDP trong năm 2016.
“Đây là động lực để các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc lên sàn”, một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, “áp lực tăng vốn chuẩn bị cho Basel II khiến các ngân hàng không thể chần chừ hơn việc lên sàn”.