OCB sẽ niêm yết thẳng trên HOSE, thay vì giao dịch trên UPCoM như kế hoạch ban đầu |
Một loạt ngân hàng công bố kế hoạch lên sàn
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã nhất trí thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về việc không đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM), mà chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị OCB chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu OCB trên HOSE; chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện thực tế của Ngân hàng. Việc xin ý kiến cổ đông của OCB được thực hiện bằng hình thức văn bản.
Trước đó, trong quý II, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của OCB đã thông qua việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM trong năm nay.
Sự chuyển hướng này được lãnh đạo OCB lý giải là do việc lên niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu có thanh khoản tốt hơn.
Được biết, hoạt động kinh doanh của OCB từ đầu năm đến nay khá khả quan. Tính tại thời điểm cuối tháng 11, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 61.216 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 11 tháng đạt 427 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2015. Các chỉ tiêu khác của OCB cũng tăng trưởng đáng kể sau 11 tháng, với dư nợ cho vay tăng 30%, tổng huy động thị trường tăng 42,5%; nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức tốt nhất và giảm xuống 1,77%.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, năm 2016, OCB dự kiến phát triển vượt bậc về quy mô và số lượng khách hàng, với kế hoạch lợi nhuận đạt 450 tỷ đồng trước thuế. Đến giữa tháng 11/2016, OCB đã hoàn tất giai đoạn 1 của Dự án phòng, chống rửa tiền góp phần quan trọng hoàn thành Dự án Basel II vào tháng 2/2017, để đảm bảo hệ thống quản trị hoạt động tốt và an toàn tối đa.
Ngoài OCB, một số nhà băng khác cũng cho hay sẽ xem xét niêm yết thẳng trên sàn HOSE hoặc HNX, thay vì đưa cổ phiếu lên UPCoM. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết, sau khi được chấp thuận về chủ trương cho phép bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng sẽ tiến hành các thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn HOSE. Hiện kế hoạch bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng nói trên đã được chấp thuận chủ trương và đang trong quá trình đàm phán với đối tác.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 12/12/2016, hơn 564 triệu cổ phiếu VIB (tương đương hơn 5.644 tỷ đồng) của Ngân hàng Quốc tế (VIB) được đăng ký lưu ký trên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Đây là bước khởi đầu để cổ phiếu VIB chính thức gia nhập thị trường chứng khoán.
VIB hiện là một trong những ngân hàng thương mại có tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm cao nhất trong ngành. Năm 2014, ngân hàng chia 9% tiền mặt và 14% cổ phiếu thưởng; năm 2015 là 8,5% tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng.
Kết thúc 10 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản VIB đạt 93.079 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 14,46%, tỷ lệ nợ xấu 1,49%, vốn chủ sở hữu gần 9.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlong Bank ông Võ Quốc Thắng cũng vừa có thông báo đến cổ đông về việc đang tiến hành các thủ tục để đăng ký lưu ký tại VSD và giao dịch cổ phiếu trên hệ thống UPCoM.
Cụ thể, từ ngày 1/11/2016 đến khi cổ phiếu Kienlong Bank được chấp thuận giao dịch trên UPCoM, bộ phận phụ trách cổ đông Ngân hàng Kienlong Bank sẽ tiếp nhận và giải đáp các thông tin, thắc mắc của cổ đông trong phạm vi thẩm quyền được Kienlong Bank quy định.
Về tình hình kinh doanh của Kienlong Bank, được biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng chỉ ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Kienlong Bank đã tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên 1,46% vào cuối tháng 9/2016. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 54% lên 187 tỷ đồng.
Không thể trì hoãn
Theo Thông tư số 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Thời hạn này đã rất cận kề và trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, nhiều ngân hàng cổ phần đại chúng chưa niêm yết cho biết, việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM sẽ sớm được triển khai sau khi trình đại hội đồng cổ đông thông qua.
Cụ thể, Techcombank đã trình cổ đông thông qua về việc đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM hoặc đăng ký niêm yết chứng khoán trên HOSE/HNX. Hội đồng quản trị VPBank, VietA Bank cũng cho biết đang xúc tiến các thủ tục để lên sàn và hiện đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, tới thời điểm này, ngoại trừ VIB và Kienlong Bank, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng chưa chốt danh sách cổ đông để lên UPCoM.
Chủ trương thúc đẩy các ngân hàng lên sàn nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động đã được Chính phủ được đưa ra trong nhiều năm trở lại đây. Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương và lộ trình tất cả các ngân hàng thương mại phải lên niêm yết.
Tuy nhiên, kế hoạch lên sàn của nhiều nhà băng nhiều năm qua không có chuyển biến, thậm chí có nhà băng đặt kế hoạch lên UPCoM từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có chuyển động mới. Lý do chưa lên sàn thường được các lãnh đạo nhà băng lý giải là “cần thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu”.
Cổ phiếu ngân hàng, một thời được xem là cổ phiếu “vua” hiện khó bật tăng, nhất là ở các nhà băng quy mô nhỏ đang phải đối mặt dự phòng cao và không loại trừ làn sóng M&A khi ngành đẩy mạnh tái cấu trúc.
Trong khi đó, áp lực tăng vốn điều lệ đè nặng các nhà băng, do cổ đông không mấy mặn mà với việc rót thêm vốn, kể cả khi ngân hàng phát hành cổ phiếu mệnh giá.