Đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, thoái vốn Nhà nước tại ngân hàng… là một trong nhiều nguyên nhân khiến các nhà băng “lỡ hẹn” tăng vốn trong năm nay |
Thêm một năm lỡ hẹn…
Mặc dù đã cố gắng để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh khi yêu cầu áp dụng các chuẩn mực quốc tế ngày càng tăng, song kế hoạch tăng vốn tại nhiều ngân hàng vẫn chưa thê thực hiện như kỳ vọng, đặc biệt là ở những ngân hàng quy mô nhỏ, do giá cổ phiếu kém hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi áp lực tái cơ cấu lớn.
Lãnh đạo Saigonbank lý giải với cổ đông tại kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 rằng, yêu cầu tăng vốn là vấn đề được đặt ra từ 2 năm trước, nhưng đến nay, Ngân hàng chưa thực hiện được do thị trường khó khăn, cổ phiếu ngân hàng giảm, nên cổ đông cũng như nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Trong khi tăng vốn bằng nguồn thặng dư, cổ tức lại càng khó khăn hơn đối với nhà băng nhỏ, khi lợi nhuận làm ra trong những năm qua chủ yếu tập trung cho việc trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, dẫu biết tăng vốn là điều thiết yếu đối với những nhà băng nhỏ, song HĐQT Ngân hàng vẫn cần thêm thời gian. Nếu điều kiện thị trường cho phép, Ngân hàng sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ…
Tại kế hoạch trình ĐHĐCĐ thông qua năm nay, Saigonbank tiếp tục đề cập đến triển khai việc tăng vốn nói trên, nhưng đã gần giữa tháng 12 mà vẫn chưa có động tĩnh gì. Trong khi đó, HĐQT Saigonbank cho hay, mục tiêu trong năm 2016 là tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, quy mô hoạt động, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động.
Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng theo phương án đã được ĐHCĐ thông qua và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.
Thực tế, đã hơn 3 năm qua, Saigonbank chưa thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, trong bối cảnh áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn tại Saigonbank theo lộ trình quy định của Thông tư 36/2015TT-NHNN gia tăng.
Mới đây, Vietinbank đã thoái 5,48% vốn cổ phần tại Saigonbank, trong khi một cổ đông lớn khá là Vietcombank cũng đang rậm rịch rút vốn. Là ngân hàng nhỏ, đã không thể tăng vốn nhiều năm, nhưng Saigonbank vẫn quyết định “nói không” với M&A, kể cả khi được Vietcombank “ngỏ lời”.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ngoài Saigonbank, không ít nhà băng có quy mô vừa và nhỏ khác cũng thất bại trong việc tăng vốn.
Chẳng hạn, tại một ngân hàng có trụ sở chính tại TP. HCM, mặc dù kế hoạch tăng vốn đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2015-2016, ngân hàng này đã không thể hoàn tất, khi chỉ huy động được vỏn vẹn… 21 tỷ đồng trong tổng 1.000 tỷ đồng vốn cần huy động từ cổ đông hiện hữu, tức chỉ đạt 0,21% so với kế hoạch đưa ra ban đầu. Vì vậy, vốn pháp định của ngân hàng này hiện vẫn loanh quanh mức 3.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang dần hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nhiều khả năng NHNN sẽ nâng quy định về vốn điều lệ, như đã từng đề xuất khi xây dựng Dự thảo Nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng phải nâng lên mức tối thiểu là 10.000 tỷ đồng.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng, tăng vốn là cần thiết để các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, cũng như sức cạnh tranh trước bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc. Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc, dự kiến cả hệ thống chỉ còn khoảng 20-25 ngân hàng, trong đó có một số ngân hàng đủ mạnh và có tầm cạnh tranh khu vực, cũng như quốc tế. Tuy nhiên, việc tăng vốn cần tránh tình trạng “tăng ảo”.
… khi việc tăng vốn là “bất khả thi”
Không chỉ các ngân hàng nhỏ (vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng), các nhà băng tầm trung (vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng) cũng nỗ lực để nâng cao năng lực tài chính.
Chẳng hạn, tại OCB, trong năm 2016, Ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, sau khi hoàn tất việc tăng thêm 500 tỷ đồng vốn trong năm 2015 thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2016, nhưng đến nay, OCB vẫn chưa có động tĩnh.
VietA Bank có kế hoạch tăng tiếp vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng trong năm 2016, tức tăng 20% so với năm 2015. Trong đó, một phần được tăng từ việc trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 7,5%, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Hầu hết các ngân hàng hiện đang đứng trước áp lực tăng vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Theo đó, các thông tin tài chính, bảng cân đối kế toán phải được kiểm toán rõ ràng; các tài sản từ tiền mặt, trái phiếu đầu tư, dư nợ tín dụng... phải được thẩm định chính xác.
Vì thế, với 10 ngân hàng được chỉ định thí điểm thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II (bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank, VIB) cũng lần lượt tăng vốn từ việc chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu mới. Bởi khi áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng giảm, cho nên yêu cầu về vốn phải được tăng lên. Vì ngoài đảm bảo rủi ro tín dụng, Basel II còn tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Do đó, những ngân hàng có CAR ở quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện hệ số này.
Mặt khác, chủ trương của NHNN là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Vì vậy, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính mới có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải tính đến phương án M&A với ngân hàng khác.
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, trong bối cảnh hiện nay, không dễ để các ngân hàng, nhất là các nhà băng nhỏ, có thể thực hiện tăng vốn. Không chỉ bởi cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp, mà áp lực thoái vốn của các ngân hàng lớn, doanh nghiệp nhà nước, cũng đang đè nặng lên các nhà băng nhỏ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, nhưng vì giá cổ phiếu giảm, nên việc phát hành khó có thể mang lại hiệu quả cao, trong khi áp lực M&A đối với các ngân hàng nhỏ để tồn tại và phát triển ngày càng lớn, khiến việc thu hút nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ trong năm nay gần như “bất khả thi”, ngay cả khi đã được NHNN phê duyệt đề án tự tái cơ cấu. Diễn biến này có thể còn kéo dài nếu thị trường chứng khoán không khởi sắc, kéo theo giá cổ phiếu ngân hàng không tăng.
Thêm vào đó, NHNN mới đưa ra Dự thảo Thông tư về việc xóa tình trạng sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt trần 5% của cá nhân và 20% tại một ngân hàng, bên cạnh áp lực thoái vốn theo lộ trình Thông tư 36/2016 sửa đổi, do đó, sẽ rất khó kỳ vọng nguồn tiền cổ đông rót vào kế hoạch tăng vốn.