Mục tiêu của Chính phủ là giải ngân hết vốn kế hoạch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Toàn |
“Điểm mặt” địa phương giải ngân chậm
Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai… là những địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến như là… “điển hình” vì giải ngân vốn đầu tư công rất chậm trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới 20%. Ngược lại, Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình… lại được “vinh danh” vì đã giải ngân tốt, trên 45%, trong nửa năm qua.
Đọc tên những địa phương này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nêu câu hỏi mà ông đã nhiều lần đặt ra: Tại sao cùng một thể chế chính sách, có địa phương giải ngân tốt, nhưng lại có những địa phương giải ngân rất chậm, rất ì ạch? Nguyên nhân vì sao?
“Phải tìm cho ra nguyên nhân chủ quan là chính, chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư nhà nước”, Thủ tướng nói và chỉ ra rằng, là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.
Nhận trách nhiệm trước Thủ tướng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm, Đà Nẵng đã rất quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình còn chậm. “Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, hy vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm”, ông Thơ nói.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giải thích, việc Đồng Nai giải ngân chậm là do tỉnh đang phải triển khai nhiều dự án cùng lúc, như giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đường Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành... Thêm nữa, năm nay, Đồng Nai có rất nhiều dự án khởi công mới (lên tới 200 dự án) và bị vướng khi phải làm lại chi phí xây dựng theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP.
“Chúng tôi mất 3 tháng để làm việc này, sau đó mới thực hiện đấu thầu được, do đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm”, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thừa nhận.
Không chỉ các dự án thuộc vốn kế hoạch đầu tư công của Đồng Nai còn chậm, mà hiện tại, tiến độ giải ngân Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng rất chậm, mới đạt 10,1%, không đạt tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội, cũng như không đạt cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai.
Ngược lại, chia sẻ kinh nghiệm giải ngân tốt của Nghệ An trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, do năm nay có một đổi mới, việc giao vốn được thực hiện sớm và thực hiện một lần, nên đã tạo điều kiện cho các địa phương sớm chủ động phân giao vốn, triển khai dự án.
“Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm. Trực tiếp các phó chủ tịch tỉnh đã xuống từng dự án để đôn đốc giải ngân, làm sao giải ngân hết vốn kế hoạch trong năm nay”, ông Nguyễn Đức Trung nói.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đã giải ngân được trên 80% vốn kế hoạch, thì tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác, do các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, thường xuyên xuống các huyện, xã hỗ trợ giải phóng mặt bằng, không để tình trạng ách tắc về hồ sơ, thủ tục, kịp thời điều chuyển vốn đối với dự án chậm triển khai.
Một cách rất rõ ràng, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, nguyên nhân khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công có nhiều, bao gồm khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục..., nhưng có nguyên nhân đến từ trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Không để vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng
Sự chênh lệch quá lớn về tình hình giải ngân giữa các địa phương, cũng như việc nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy giảm, khi quý II/2020 chỉ tăng trưởng 0,36%, khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh rằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chính là nhiệm vụ then chốt trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dẫn nghiên cứu của Tổng cục Thống kê rằng, chỉ cần tăng 1% vốn đầu tư công, thì tăng trưởng GDP sẽ thêm 0,06%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2020, phải giải ngân hết số vốn đầu tư theo kế hoạch, khoảng 633.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD).
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không để tình trạng giải ngân đầu tư công trì trệ xảy ra nữa, đến mức “nói hoài, nói mãi mà không chịu làm”.
“Phải đưa ra chế tài mạnh để người đứng đầu nâng cao trách nhiệm”, Thủ tướng nói. Nhắc đến kinh nghiệm của Ninh Bình, HĐND mỗi tháng họp một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, không để bệnh quan liêu, xa dân là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đáng chú ý, trong khi có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; thì lại có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
“Đến giờ này, còn bộ ngành nào, địa phương nào chưa phân bổ vốn thì dành cho nơi khác. Phải họp bàn để điều chuyển vốn cho nhanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về mục đích của Hội nghị Hội nghị lần này, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm sao để giải quyết được 3 chữ “đọng”, là đọng vốn, đọng nợ, đọng thủ tục. Đọng vốn tức là có tiền mà không tiêu được. Đọng nợ là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành, nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Đọng thủ tục, thì vẫn là một vấn đề lớn hiện nay.
Để giải quyết “đọng thủ tục”, ngay tại Hội nghị, sau khi nghe Bộ Xây dựng báo cáo đang sửa đổi Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, Thủ tướng yêu cầu trình ngay để Thủ tướng có thể ký ngay, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sớm triển khai việc điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương, thay vì tháng 9 như trước đây, thì thực hiện ngay trong tháng 7, tháng 8.
“Ngoài các giải pháp chung, các bộ, ngành, địa phương cần có cả giải pháp riêng để thúc đẩy giải ngân. Phải đeo bám từng dự án, để vướng gì, giải quyết ngay, từng khâu, từng vấn đề”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thủ tướng đồng ý bắt đầu thực hiện điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương từ tháng 8. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
“Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là cứu cánh của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ thúc đẩy tăng trưởng, mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Phải nhận thức như thế để có quyết tâm chính trị cao hơn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.