Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng thương mại khu vực Nam và Đông Nam Á tại HSBC châu Á - Thái Bình Dương. |
Từ góc độ quốc tế, đâu là cơ hội và thách thức đối với việc đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam?
Chúng tôi ghi nhận tâm lý tích cực về triển vọng đầu tư của Việt Nam, các cơ hội chính như lực lượng lao động lành nghề, tầng lớp người tiêu dùng trẻ và ngày càng mở rộng, giá lương cạnh tranh và thuận lợi của chuỗi cung ứng. Các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các công ty từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới các cơ hội này.
Tuy nhiên, vẫn còn thách thức, như cần thu hút nhiều chuyên gia về phát triển bền vững hơn và cần thúc đẩy môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam phải ưu tiên tính hiệu quả, thiết lập một khuôn khổ quản trị mạnh mẽ và đưa ra các quy định rõ ràng để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp muốn đầu tư tại đây.
Theo bà, khung pháp lý mới về phát triển năng lượng, cụ thể là Quy hoạch Điện VIII, có tác động đến đầu tư và tính bền vững như thế nào?
Khung pháp lý về phát triển năng lượng ở Việt Nam vừa được ban hành đánh dấu một bước tiến quan trọng, cung cấp sự chắc chắn và rõ ràng cho các nhà đầu tư, giải quyết sự chậm trễ trong các dự án liên quan đến năng lượng. Khung pháp lý này gồm việc tạo ra quy trình biểu giá điện đầu vào, xác định giá trần cho các dự án bị trì hoãn do đại dịch. Chúng tôi xem khung khổ này là tích cực, phù hợp với cam kết của Chính phủ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Một trong những điểm yếu của các ngân hàng thương mại trong hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh tại Việt Nam là thường cung cấp tín dụng trong ngắn và trung hạn, trong khi các dự án năng lượng cần khoản tín dụng trong dài hạn. Bà đánh giá thế nào về đề xuất Việt Nam nên thành lập một ngân hàng phát triển năng lượng riêng để giải quyết vấn đề này?
Là một tổ chức tài chính quốc tế, chúng tôi tin vào tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm ngân hàng, các tổ chức chính phủ và các tổ chức tư nhân. Mặc dù ghi nhận giá trị của tín dụng dài hạn đối với các dự án năng lượng, nhưng chúng tôi lưu ý rằng, nguồn tài chính cần thiết để chuyển đổi thành công sang phát triển bền vững không thể do một ngân hàng hoặc Chính phủ gánh vác.
Thay vào đó, sự hợp tác công - tư là rất quan trọng để khuyến khích các bên tham gia, chia sẻ nguồn lực tài chính, chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của PPP và mong muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án bền vững thông qua các cam kết tài chính của mình.
Cuối năm 2022, Việt Nam đã tham gia chương trình Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Chúng tôi tin đây là tín hiệu rất tích cực cho đất nước trong hành trình phát triển xanh, góp phần trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Bà có góc nhìn ra sao về fintech và vai trò của họ trong lĩnh vực ngân hàng là gì?
Thay vì coi nhau là đối thủ cạnh tranh, fintech nên được coi là lực lượng hoàn thiện các dịch vụ của ngân hàng, mỗi bên đóng góp sức mạnh riêng cho hệ sinh thái tài chính.
Chúng tôi đánh giá cao lợi thế vốn có mà các ngân hàng mang lại, gồm quy mô rộng lớn, khả năng phục hồi mạnh mẽ và chuyên môn sâu về kiến thức sản phẩm. Những thuộc tính này cho phép các ngân hàng thiết lập một nền tảng vững chắc và cung cấp nhiều loại dịch vụ cho khách hàng.
Mặt khác, các công ty fintech luôn được đề cao bởi tinh thần kinh doanh và thiên hướng tiếp cận sáng tạo. Họ vượt trội trong phát triển các công nghệ tiên tiến, khám phá các mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.