Thông tin doanh nghiệp
Thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam tiến tới phát triển bền vững
Hoàng Nam - 16/11/2018 12:05
Các giải pháp công nghệ tiên tiến hứa hẹn sẽ nâng cao tính an toàn, thân thiện với môi trường, cũng như chất lượng đầu ra cho hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Ông Kohei Sakata, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam, chia sẻ quan điểm về việc công ty tập trung vào sự đổi mới, phát triển bền vững và các chuyển đổi trên phương diện kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho nhà nông, xã hội và cho môi trường.

Thưa ông, công nghệ mới có vai trò như thế nào trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp?

Trong Diễn đàn Tăng trưởng châu Á (Grow Asia Forum) thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (World Economic Forum) diễn ra tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một trong 15 thị trường nông nghiệp phát triển nhất thế giới trong vòng 10 năm tiếp theo. Thủ tướng đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân áp dụng triển khai công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đưa ngành nông nghiệp của các quốc gia ASEAN và Việt Nam sang một kỷ nguyên mới.

 Ông Kohei Sakata, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam

Với định hướng đó, quan hệ đối tác công tư (Public-Private Partnerships - PPPs) là một kênh hữu ích để cải thiện chính sách và khung pháp lý bằng cách thu hút đầu tư vào các dự án mang tính sáng tạo trong tương lai. Cụ thể, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến toàn cầu, cùng với hệ thống chính sách pháp lý dựa trên cơ sở khoa học và tiêu chuẩn quốc tế sẽ là đòn bẩy đưa ngành nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. 

Bayer, công ty hàng đầu thế giới với những giải pháp sáng tạo trong nông nghiệp, sẽ là một mảnh ghép hoàn hảo trong bối cảnh ngành nông nghiệp hiện nay. Chúng tôi có đủ nguồn lực và công nghệ để trang bị cho nông dân Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0

Bayer có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến trên thế giới nào tại Việt Nam?

Trong thời đại kỹ thuật số, tất cả các phương tiện như hình ảnh vệ tinh, thuật toán ứng dụng, cảm biến công nghệ cao, ứng dụng điện thoại thông minh và thiết bị định vị toàn cầu (GPS) đều có thể hỗ trợ nông dân nhanh chóng cập nhật thông tin về tình hình dịch hại, ngập úng hoặc hạn hán, cho phép nhà nông kịp thời đưa ra quyết định về phương án giải quyết vấn đề một cách chính xác.

Là tập đoàn tiên phong trong việc sử dụng kiến thức và dữ liệu số để cải thiện quy trình canh tác nông nghiệp, Bayer mong muốn chuyển giao công nghệ thông qua việc xây dựng các trang trại kỹ thuật số (Digital Farm), sử dụng hình ảnh vệ tinh, thuật toán ứng dụng và cảm biến công nghệ cao để hỗ trợ nông dân Việt Nam theo dõi trang trại của họ trên thực tế và đưa ra các dự đoán về những vấn đề có thể xảy ra để kịp xử lý.

Cùng với việc chuyển giao công nghệ, chính sách của Bayer tại Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy công cuộc tối ưu hóa tiêu chuẩn quản lý nông nghiệp của Việt Nam. Đơn cử, năm 2015, Bayer và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng triển khai dự án Sáng kiến Phát triển lúa gạo khu vực châu Á (BRIA) tại Việt Nam. Kể từ khi dự án BRIA được thực hiện ở Việt Nam, Bayer, GIZ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đào tạo về hệ thống canh tác lúa thông minh và hướng dẫn thành công hơn 3.000 nông dân ở ba tỉnh, thành phố áp dụng mô hình nêu trên. Chương trình đã nâng cao năng suất với khoảng 270 tấn gạo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đóng góp 20% gia tăng trong tổng lợi nhuận.

Bayer sẽ tiếp tục giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến đến nông dân Việt Nam - tạo điều kiện cho họ tiếp cận các giải pháp bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực, cắt giảm nguyên liệu đầu vào, cải thiện đời sống và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. 

Một bộ phận lớn nông dân Việt Nam vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai cách: vượt liều lượng được khuyến cáo, hoặc sử dụng vào mục đích không hợp lý. Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành lệnh cấm và giảm tần suất cấp giấy phép đăng ký các sản phẩm bảo vệ thực vật. Ông nghĩ gì về đề xuất này?

Trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về nhận thức và trách nhiệm xã hội của một bộ phận người tiêu dùng giải pháp hóa nông ở Việt Nam. Điều này gây quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Chúng ta phải giải quyết các vấn đề này và đưa ra các giải pháp hợp lý, đồng thời thực thi phương thức sử dụng hiệu quả giải pháp hóa nông theo cách tiếp cận, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tất cả các bên liên quan trong ngành nông nghiệp, kể cả đối tác công lẫn tư nhân. Nỗ lực này bao gồm đào tạo nông dân quản lý sản phẩm, rà soát chất lượng sản phẩm và thẳng tay loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, bất hợp pháp, giới thiệu các giải pháp sinh học, công nghệ để giảm thiểu tình trạng lạm dụng các hợp chất hóa học.

Bayer chia sẻ tầm nhìn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam, tiếp tục cải thiện thu nhập cho nông dân. Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích các cơ quan chức năng  đảm bảo rằng các công cụ bảo vệ cây trồng được đánh giá đúng cách, thông qua một quy trình chặt chẽ, có khoa học, phù hợp với các tiêu chuẩn và phương pháp được quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, các đánh giá này cần phải được tiến hành bởi các chuyên gia khoa học, theo thời gian phù hợp để xem xét kỹ lưỡng các quan điểm khoa học, xã hội và kinh tế, vì các quyết định cấm hoặc hạn chế sử dụng ngay lập tức một số giải pháp bảo vệ thực vật sẽ tác động đến nền kinh tế, ngành nông nghiệp cũng như sự sẵn lòng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Quan trọng hơn, việc cấm sử dụng bất kỳ công cụ bảo vệ cây trồng nào mà không cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia khoa học và xem xét bằng chứng khoa học đáng tin cậy sẽ hạn chế quyền của nông dân trong việc ứng dụng các công cụ bảo vệ cây trồng an toàn và hiệu quả để sản xuất thực phẩm an toàn hơn, giá cả phải chăng và bổ dưỡng. Trên thực tế, lệnh cấm sử dụng hoạt chất glyphosate ở Sri Lanka, Brazil, Pháp đã được gỡ bỏ do lệnh cấm đã gây ra những thiệt hại kinh tế to lớn cho ngành nông nghiệp của các quốc gia này.

Tin liên quan
Tin khác