Doanh nghiệp
Thúc đẩy phụ nữ kinh doanh nên tiếp cận từ doanh nghiệp siêu nhỏ
Hải Hà - 08/10/2017 10:13
Các doanh nghiệp do nữ làm chủ được nhận định là có thể đóng góp tăng trưởng tương đối lớn, tạo nên sự sáng tạo trong kinh doanh. Tuy nhiên, với đặc thù kinh doanh hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ đang đòi hỏi sự hỗ trợ khu vực này cũng phải phù hợp quy mô phát triển của doanh nghiệp.
Cơ sở hạ tầng tốt đi cùng chính sách hỗ trợ hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Đây là thông điệp được đưa ra tại “Hội thảo APEC về tăng cường thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) nữ thông qua thương mại điện tử” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

GS William Wang, chuyên gia tư vấn cao cấp về chuỗi cung ứng của Đài Loan khẳng định: “Nếu cải thiện công bằng về giới tính có thể đóng góp thêm 8-12 tỷ USD GDP toàn cầu mỗi năm”.

Liên quan tới tăng trưởng thị trường, ông Wang cho rằng, khu vực châu Á Thái Bình Dương là số 1. Ở khu vực này, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 38%, 65% số doanh nghiệp thuộc về dịch vụ và thương mại điện tử.  Khu vực các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do nữ làm chủ cũng được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và sáng tạo của khu vực này, tuy nhiên có tới 90% doanh nghiệp do nữ làm chủ  là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do đó, hỗ trợ kinh doanh nữ nghĩa là những hỗ trợ phải tiếp cận ở cấp độ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tại hội thảo này, thương mại điện tử được nhắc tới như một công cụ hữu hiệu thúc đẩy kinh doanh của nữ giới khi chi phí đầu tư không lớn nhưng hiệu quả cao như tiếp cận thị trường không biên giới, xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt phù hợp với quy mô của hầu hết các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Tuy nhiên, ông Wang cũng chỉ ra, thách thức chính ảnh hưởng tới các doanh nghiệp do nữ làm chủ là thiếu kỹ năng kết nối, doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu tập trung khía cạnh xã hội. Do đó, nếu sử dụng công cụ thương mại điện tử buộc họ phải học kỹ thuật, công nghệ, toán học nếu muốn hội nhập tốt.

Ông Wang cho rằng, vấn đề tài chính cũng là khó khăn với các doanh nghiệp khối này do yêu cầu tín dụng từ một số nền kinh tế APEC. Mặc dù, 75% các nền kinh tế đảm bảo quyền bình đẳng như nhau nhưng vẫn có phân biệt đối xử với phụ nữ. Chủ doanh nghiệp nữ vừa phải thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vừa phải đảm bảo việc nhà đi kèm những chính sách không mấy thuận lợi.

Riêng với thương mại điện tử, ông Wang đưa khuyến nghị, để hỗ trợ phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua công cụ này, Chính phủ phải tạo động lực môi trường cho thương mại điện tử phát triển.

Lý do là hệ sinh thái thương mại điện tử dựa trên sự tương tác năng động giữa các tổ chức công và tư nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tạo ra tác động tích cực, mô hình kinh doanh tăng cường thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng và khách hàng.

Do đó, Nhà nước phải duy trì một quỹ hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận thúc đẩy đầu tư tư nhân thực hiện chuyển dịch mua bán giao dịch qua biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương cải thiện tiếp cận tài chính, tạo điều kiện họ ra nhập thị trường kinh doanh thúc dẩy thị trường thương mại điện tử, đảm bảo an ninh mạng thông qua hỗ trợ chia sẻ thông tin, hỗ trợ song phương hài hòa hóa các chính sách quản lý nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử.

Ở mức độ cao hơn, ông Wang cho rằng, thanh toán điện tử phải hài hòa hóa với khu vực, tăng cường hợp tác các bên, trong đó có hệ thống logistics đảm bảo cơ chế 1 cửa cho khu vực ASEAN nhằm hỗ trợ nhiều dòng chảy thương mại trong khu vực từ nền tảng đó, thương mại điện tử mới có thể phát triển. 

Ông Wang cũng lấy ví dụ khi Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng ở vùng sâu vùng xa như Tô Châu, một phụ nữ ở đây đã có thể phát triển mô hình chuỗi cửa hàng cung cấp nông phẩm sạch ra thị trường có tên village online shopping được taobao.com hỗ trợ bán sản phẩm ra thị trường. Mặc dù mới hoạt động từ năm 2016 nhưng mô hình này đã giúp 16 gia đình và 75 người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Ông Jerry Ho, Phó chủ tịch liên minh phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Newzealand khẳng định, thương mại điện tử sẽ nâng cao năng lực phụ nữ khi làm kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài việc phải có sản phẩm đặc biệt và nghiên cứu khách hàng nhiều quốc gia là nhiệm vụ của doanh nghiệp ra thì những doanh nghiệp nữ làm chủ trong các nền kinh tế APEC rất mong mỏi sự hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phải hiệu quả và nhanh chóng. Đặc biệt, tốc đọ internet phải đủ nhanh để có thể xử lý các giao dịch trong phạm vi quốc tế.

Cũng theo ông Ho, khu  vực ASEAN và một số quốc gia khác hiện đang bị giới hạn về cung cấp dịch vụ mạng và tính bảo mật khi thanh toán quốc tế.

Riêng với thị trường Việt Nam, bà Phạm Thị Hoài Giang, Tư vấn viên của Hội đồng nữ doanh nhân cho rằng, giới trẻ Việt Nam đã tiếp cận việc mua bán qua mạng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi nền tảng điện tử vào thương mại thì Việt Nam còn thiếu tất cả các phương diện gồm kiến thức, nền tảng pháp lý, hiểu biết thị trường….

Theo bà Giang, hiện doanh nghiệp Việt vẫn đang trong tình trạng tự mày mò, bươn trải trong khi những hỗ trợ thông tin, tập huấn còn hạn chế.

“Bản thân Hiệp hội đã nỗ lực tìm kiếm nguồn lực về kinh phí, nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ liên quan tới vấn đề này nhưng chỉ như muối bỏ bể”, bà Giang nói.

Cũng theo bà Giang, ở Việt Nam, Luật bình đẳng giới đã có, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có, nhưng chỉ riêng với Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới ban hành từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp thậm chí không biết tới luật, đó là chưa kể từ luật tới các văn bản hướng dẫn cần có thời gian.

"Hội đồng nữ doanh nhân đang nghiên cứu doanh nghiệp do nữ làm chủ là gì, tiếp cận thương mại điện tử là thế nào, nghiên cứu có định  tính, định lượng để có kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đưa ra kiến nghị với mục tiêu đưa luật đi vào cuộc sống. Mặc dù thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng hiện thực hóa tại Việt Nam nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào sự thúc đẩy của các Hiệp hội, nỗ lực của nữ doanh nhân và hành động của Chính phủ”, bà Giang nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác