Từ năm 2025, các doanh nghiệp phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm có thể mua tín chỉ carbon trong nước |
“Cuộc chơi” không được từ chối
Với đặc thù các nhà máy điện thường sử dụng nhiều nhiên liệu và gây phát thải khí nhà kính rất lớn, từ nay đến năm 2030, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đặt mục tiêu thực hiện 12 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các nhà máy điện, bao gồm các giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời…
Theo tính toán, thực hiện 12 giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu được 160.884 tấn CO2e trong giai đoạn 2018-2025 và 72.150 tấn CO2e trong giai đoạn 2026-2030.
Không riêng PV Power, nhiều doanh nghiệp dệt may, xi măng, đồ gỗ… cũng chủ động tìm hiểu thông tin, thuê tư vấn thực hiện nhiều giải pháp để sản xuất xanh hơn nhờ giảm phát thải.
Từ tháng 10/2023, 6 loại hàng hóa thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải trả thuế carbon theo mức hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.
Sản xuất xi măng, clinker thuộc top các ngành có mức độ phát thải cao, do sử dụng nhiều than, điện… áp lực chuyển đổi sản xuất để giảm phát thải vì thế cũng “gắt” hơn.
Phát thải carbon trong ngành xi măng hiện vào khoảng trên 800 kg/1 tấn xi măng, còn đối với clinker thì tùy nhà máy, trên dưới 900 kg/1 tấn clinker.
PGS-TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay: “Có hơn 60 nhà máy xi măng trên toàn quốc có sản xuất clinker đều nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định. Hiện đã có hơn 10 nhà máy xi măng bắt đầu sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải đến khoảng 35 - 40% thay thế cho than.
“Giảm chi phí nhiên liệu thì có thể giảm được phát thải, cùng với đó là sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, giảm chi phí điện, thu giữ và chôn lấp CO2 trong quá trình sản xuất clinker, xi măng… là những giải pháp được ngành xi măng đang thực hiện dựa trên quy mô và điều kiện đặc thù từng doanh nghiệp”, ông Long nói.
Nhiều quốc gia đã thiết lập thị trường carbon, từng bước hình thành hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế liên quan đến carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu 400 tỷ USD/năm, không thể đứng ngoài xu hướng này. Nếu không cắt giảm phát thải trong sản xuất, hàng hóa sẽ bị đánh thuế carbon, mất khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, trào lưu về tín chỉ carbon, thị trường carbon được nói nhiều thời gian gần đây đã “đánh động” tới số đông doanh nghiệp về sự cấp thiết của chuyển đổi sản xuất, dần tham gia vào thị trường carbon.
Đây là bước đi chiến lược, giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường, mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu.
“Thị trường carbon là cuộc chơi quốc tế mà doanh nghiệp Việt chỉ triển khai chứ không được từ chối, dù trên hành trình đó, có rất nhiều thách thức cho người chơi, nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn”, ông Nguyễn Võ Trường An nói.
Được biết, Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký các dự án tín chỉ carbon, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với xu hướng trên, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nói riêng phải chủ động giảm phát thải. Tùy thuộc vào đặc điểm ngành nghề, quy mô, doanh nghiệp phải có giải pháp chuyển đổi xanh và tham gia thị trường tín chỉ carbon phù hợp.
Khó mấy cũng phải triển khai
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để thị trường carbon chính thức vận hành từ năm 2029.
Theo Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc.
Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.
Theo đó, giai đoạn từ nay cho đến năm 2028, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất tín chỉ carbon chất lượng cao
Như vậy, bắt đầu từ năm 2025, hơn 1.900 doanh nghiệp lớn, phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm tại Việt Nam có thể mua tín chỉ carbon trong nước, nếu các giải pháp chủ động chưa đủ để đạt các tiêu chuẩn giảm phát thải.
Để vận hành được một thị trường carbon, các quốc gia trên thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn rất dài để phát triển thì mới có được thị trường vận hành một cách đầy đủ và hiệu quả. Việt Nam mới đang ở giai đoạn tiếp cận để xây dựng và từng bước vận hành. “Do đó, Việt Nam cần giai đoạn rất dài để phát triển thị trường carbon vận hành một cách đầy đủ và hiệu quả”, ông Hoàng Văn Tâm nhấn mạnh.
Thị trường carbon chính là động lực quan trọng cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050. Nhưng, khó khăn khi triển khai thị trường này cũng không ít.
Đại diện Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN cho rằng, Việt Nam đối diện với 4 khó khăn, gồm: nguồn nhân lực; phương pháp; tài chính; máy móc, thiết bị.
Về phương pháp thực hiện, thực tế là doanh nghiệp, kể cả các chuyên gia, phần lớn đang loay hoay, không biết thị trường sẽ được vận hành như thế nào. Về tài chính, công nghệ chuyển đổi xanh, giảm phát thải thường có suất đầu tư lớn, lớn hơn những công nghệ truyền thống rất nhiều.
Với một thị trường đang có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội, thì không thể tránh khỏi khó khăn, thách thức, vì thế, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước đã có thị trường carbon vận hành bài bản, khá tương đồng sẽ tốt cho Việt Nam.
Trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng, một loạt sàn giao dịch tín chỉ carbon đã được thành lập và đưa vào vận hành.
“Tháng 12/2023, Indonesia đã vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của chính phủ nước này ở khu vực Đông Nam Á và sắp tới, tôi nghĩ sẽ còn nhiều quốc gia khác thì việc học hỏi và trao đổi kinh nghiệm quốc tế rất có lợi cho Việt Nam”, ông Nguyễn Võ Trường An nhấn mạnh.
Theo Bộ Công thương, hiện khung khổ pháp lý cao nhất để thị trường carbon vận hành đã có, những quy định cụ thể vẫn đang được xây dựng, trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì để xây dựng thị trường, sàn giao dịch tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, còn quá trình vận hành thị trường này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối.